Chống tin giả, COVID-19, Nghiệp vụ báo chí|

Khi bắt tay điều tra một chiến dịch tin giả về COVID-19 khiến hàng ngàn người ở châu Phi và Tây Âu mắc bẫy, Alexandre Capron tưởng rằng mình sẽ tìm được một tổ chức đen tối dựa lưng những thế lực tài chính khổng lồ.                                                                                                                           

Hàng loạt bài viết trên năm trang Facebook lớn đã trích dẫn sai lời tổng thống và các quan chức y tế, thậm chí còn đăng cả những thông tin có hậu quả có thể gây tử vong. Quan trọng, những bài đăng này dường như được tung ra để chia rẽ những người dân Congo ủng hộ đảng Dân chủ và cộng đồng người Congo xa xứ ở Pháp. 

Capron, lúc ấy đang là phóng viên cho tờ The Observers của đài France 24, đã quyết định dùng một loạt các công cụ truy dấu như Hoaxy, whopostedwhat.com và Transparency (một công cụ cuả Facebook) để tìm ra thủ phạm đứng sau những thông tin này. 

Bất ngờ thay, chẳng có tập đoàn đen tối nào. Chỉ có một sinh viên đại học 20 tuổi và một học sinh cấp ba 16 tuổi ở Kinshasa, thủ đô của Cộng hoà Dân chủ Congo — đang “chơi một trò chơi”.  

“Chúng em bịa ra mấy câu chuyện để được nhiều người theo dõi,” sinh viên 20 tuổi nói với Capron. “Chỉ cần cho người dùng mạng xã hội những thông tin mới mà họ chưa đọc được đâu cả.”

Một trong số những trang Facebook của sinh viên này có tới 150.000 người theo dõi. Chỉ trong 5 tuần sau khi lập, các bài viết đầy thông tin thêu dệt về COVID-19 của trang này đã thu hút tới 206.000 lượt chia sẻ. 

Có rất nhiều “thế lực” đứng đằng sau cơn lũ tin giả về đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Họ có thể là những nhóm ý thức hệ ngoài rìa, những kẻ lừa đảo thương mại, những đặc vụ “PR đen”, chính quyền, mạng lưới thông tin về thuyết âm mưu hay thậm chí cả những sinh viên chỉ đơn giản tìm kiếm sự chú ý hoặc theo đuổi những món tiền ít ỏi.

Một nghiên cứu của Viện Reuters tại Đại học Oxford cho thấy gần 2/5 tất cả thông tin sai lệch về COVID-19 là hoàn toàn bịa đặt. Một nghiên cứu khác của Viện Internet Oxford thì phát hiện ra những câu chuyện mù mờ về COVID-19 do truyền thông nhà nước Nga và Trung Quốc tạo ra thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng xã hội hơn tin tức của truyền thông Tây Âu. Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổ chức Y tế Thế giới nói đại dịch đã mang tới một “đại dịch khác về thông tin giả”.

Thông tin sai lệch về dịch bệnh truyền nhiễm nếu được tung ra và lan truyền một cách có chủ ý có thể dẫn đến những hậu quả chết người — như hành động vô trách nhiệm dẫn đến sự tử vong của nạn nhân hay của người khác, những phương thức chữa trị không đúng thậm chí độc hại, và kích động bạo lực như những vụ tấn công vào người Hồi giáo ở Ấn Độ.

Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu GIJN đã phỏng vấn bảy phóng viên và biên tập viên chuyên viết về tin giả trong đại dịch COVID-19. Các nhà báo này đều nhất trí một quan điểm về vai trò của báo chí điều tra: Các nhà báo điều tra nên tập trung chủ yếu vào những thế lực và nguồn tài chính đứng sau các chiến dịch này, thay vì dành thời gian chứng tỏ thông tin họ tung ra là sai.

Các nhà báo được phỏng vấn dùng rất nhiều công cụ để vạch trần các cá nhân, tổ chức đứng sau tin tức giả. Tuy nhiên theo GIJN, có sáu công cụ và sáu kỹ thuật phổ biến nhất. 

Ông Craig Silverman, biên tập viên của BuzzFeed News cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có trách nhiệm vạch trần những nhóm người đang tạo ra và truyền bá thông tin sai lệch. “Các nhóm “troll”, nhà cầm quyền, các nhóm có thế lực tài chính đứng sau – tất cả đều cần được điều tra. Thứ nhất, đây luôn là một câu chuyện hay. Thứ hai, chúng ta sẽ ngăn chặn được tác nhân xấu. Tin giả sẽ kém hấp dẫn hơn nếu những người thực hiện biết rằng sẽ có nhà báo lần theo họ.” 

Silverman gần đây đã cập nhật một danh sách các plug-in và công cụ nguồn mở thiết yếu để giúp các phóng viên truy dấu những thông tin sai lệch. 

Các phóng viên khác thì nói phản ứng đồng loạt của các tổ chức kiểm chứng thông tin toàn cầu đã giúp họ rất nhiều trong việc phát hiện các thủ phạm tung tin giả.

Chỉ riêng Liên minh CoronaVirusFacts – bao gồm 100 tổ chức lãnh đạo bởi Mạng lưới Kiểm chứng thông tin Quốc tế tại Viện Poynter có trụ sở tại Hoa Kỳ – đã gỡ bỏ hơn 7.000 tin giả liên quan đến COVID-19 trong năm 2020. Trong khi đó, Diễn đàn về Thông tin & Dân chủ đã ra mắt một nhóm làm việc để tìm chính sách đối phó với đại dịch tin giả này. Các tổ chức nghiên cứu như First Draft đang đào tạo phóng viên về các kỹ thuật xác minh bài viết trực tuyến và tường thuật về thông tin sai lệch một cách có trách nhiệm. 

Bà Aimee Rinehart, phó giám đốc tại Hoa Kỳ của First Draft, cho biết nhóm tập trung vào việc giúp các toà soạn dập tắt những tin đồn nguy hiểm về virus corona trước khi chúng bùng phát.

“Lần này những ngụ ý và sự căm ghét vẫn dồn vào các nhóm hay dính tin đồn, nhưng vỏ bọc của những tin đồn này là virus corona.” bà Rinehart nói. “Thay vì tấn công George Soros như thông thường, lần này “ông Kẹ” lại là Bill Gates. Trước đây đã có nhiều thông tin sai lệch – nhưng thông tin sai mà lại có chủ ý – thì chỉ bắt đầu xuất hiện sau các cuộc biểu tình đòi mở cửa nền kinh tế (sau giãn cách xã hội vì COVID-19). Ở Mỹ, chúng tôi đã thấy rất nhiều diễn ngôn giả dối – một cực là các nhóm chống vắc xin, cực kia lại là các nhóm đòi quyền dùng súng (Tu chính án thứ hai), nhưng hầu hết đều đồng ý với mọi chiến dịch theo kiểu “không ai có quyền bắt tôi làm gì hết”. 

Các khía cạnh của tin giả có tổ chức

Các nhà báo điều tra đã lột trần một số vụ tin giả gây chấn động về những lực lượng tung tin có tổ chức đằng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và Brexit ở Anh. Trong đó một bài điều tra của Silverman đã tiết lộ một nhóm người trẻ ở một thị trấn nhỏ ở Macedonia đã tạo ra ít nhất 140 website tuyên truyền có ảnh hưởng lớn đến người dân đi bầu cử ở Mỹ. Một series các bài báo của tờ The New York Times cũng đã viết về “nông trại nuôi troll” ở St.Petersburg tên là Cơ quan Nghiên cứu Internet, sau khi một nhóm các phóng viên người Nga viết về sự việc này.

Thế nhưng chưa có một bài viết hay series điều tra nào ở mức độ này về tin giả COVID-19. Các chuyên gia nói tin giả có tổ chức về đại dịch là một khía cạnh có thể rất đáng khai thác.

Natalia Antelava, tổng biên tập của Coda Story, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tblisi, Georgia, nói rằng tin giả đã khiến nhiều toà soạn rơi vào một trạng thái “đập chuột chũi” (whack-a-mole). Tuy nhiên theo bà, các toà soạn nên tập trung vào những tổ chức và động cơ đằng sau những sự lừa dối này. 

“Tôi thực sự nghĩ rằng việc vạch trần tin giả đã dần trở thành một thú tiêu khiển cho các phóng viên, theo nhiều cách,” bà Antelava nói. “Chúng ta cần chủ động tìm kiếm câu chuyện thay vì đơn giản là phản ứng lại theo nghị trình của người khác. Tôi nghĩ rằng đưa tin về tin giả cũng giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác. Những điều cơ bản đều giống nhau.” 

Tháng 2 vừa qua, Coda Story đã điều tra một nhóm trên Facebook có tên Stop5G International, chuyên đăng thông tin sai lệch để tấn công công nghệ dữ liệu 5G – một chủ đề đã trở nên vô cùng “nóng” trong đại dịch. Hơn 70 tháp điện thoại di động ở Anh đã bị phá hoại hoặc đốt cháy bởi những người tin rằng công nghệ này làm COVID-19 lây lan nhanh hơn bởi chúng làm hỏng hệ thống miễn dịch của con người. 

Nhóm phóng viên của Coda Story đã theo dấu người quản lý trang Facebook này đến một căn hầm riêng gần Zurich (Thuỵ Sĩ). Người đứng sau trang Facebook này tiếp đón phóng viên bằng một máy dò phóng xạ cầm tay. Tuy nhiên, thay vì viết bài theo kiểu dè bỉu hoặc tập trung vào một số khẳng định kỳ quặc của người này, câu chuyện khám phá động cơ và nỗi sợ hãi của người đàn ông này một cách tôn trọng, song song với việc nêu rõ những sự thật khoa học.  

Điều tra tin giả gây hậu quả

Tháng Năm vừa qua, phóng viên người Armenia Tatev Hovhannisyan phát hiện ra một trang web tin tức y tế địa phương, Medmedia.am, đã đăng một số thông tin sai lệch và liều lĩnh về đại dịch, trong đó có một bài kêu gọi người Armenia từ chối tất cả các chương trình vắc xin. Hovhannisyan nói bài viết này thu hút tới 131.000 lượt xem, trong khi Armenia chỉ có khoảng 3 triệu dân.

Câu chuyện được đọc nhiều thứ hai trên trang tin này thông báo rằng có một nhà xác đang tặng tiền cho thành viên gia đình nào ký vào đơn xác nhận rằng người thân đã khuất của họ chết vì COVID-19. 

Trang web Hovhannisyan phát hiện hoá ra được vận hành bởi một bác sĩ có quan điểm cực hữu và chống LGBTQ. Bất ngờ hơn, website này còn khẳng định là được trợ cấp bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Hovhannisyan tự hỏi tuyên bố nghe có vẻ vô lý này liệu có khi nào lại là sự thật. Thay vì đi chứng minh những thông tin trên trang web là sai lầm, một điều khá dễ dàng nhưng tốn rất nhiều công sức bởi lượng tin tức ào ạt như sóng biển, cô quyết định truy dấu nguồn tiền này.

Cô thử đi tìm nguồn trợ cấp này qua trang web chính thức của chính phủ Liên bang Hoa Kỳ về các khoản tài trợ grants.gov nhưng không thành công. Cô cũng đi tìm chủ nhân của tên miền Medmedia.am và tổ chức phi chính phủ đứng sau nó qua trang Whois, nhưng không nhận được kết quả gì.

Sau đó Hovhannisyan biết được rằng một số người nhận tài trợ phải đăng ký số DUNS, một số định danh duy nhất và hoàn tất quy trình đăng ký SAM (Hệ thống quản lý giải thưởng).

Cô tiếp tục tìm kiếm cơ sở dữ liệu SAM.gov của Hoa Kỳ và tìm thấy một hồ sơ đăng ký cho Hiệp hội bác sĩ trẻ người Armenia – một tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi chính vị bác sĩ vận hành website nói trên. Phải mất thêm một bước nữa để xác minh rằng khoản tài trợ cho Giải thưởng Hỗ trợ Liên bang này đã được kích hoạt. 

Tám ngày sau khi Hovhannisyan trình bày bằng chứng của mình, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Armenia thừa nhận rằng trên thực tế, họ đã tài trợ cho cả tổ chức phi chính phủ và trang web nói trên. 

Một tuần sau khi bài viết của cô đăng trên trên trang openDemocracy, Đại sứ Hoa Kỳ Lynne Tracy tuyên bố rằng sứ quán sẽ chấm dứt tài trợ cho trang web và sẽ thắt chặt một số thủ tục.

“Tôi đã tự hỏi: làm thế nào Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể tài trợ cho một trang web Armenia đầy rẫy thông tin sai lệch về COVID-19 và ủng hộ việc chống vắc xin?” Hovhannisyan nói. “Tin giả gây nguy hiểm đang tràn lan trong đại dịch COVID-19. Tác động thực tế của câu chuyện này thực sự vượt ra khỏi tưởng tượng của chúng ta.”

“Có vẻ như Medmedia đã thay đổi cách tiếp cận của họ, và số lượng bài đăng có thông tin sai lệch và không chính xác về COVID-19 dường như đã giảm. Đây là kết qủa quan trọng nhất đối với tôi!”, Hovhannisyan chia sẻ.

6 công cụ truy tìm các tác giả thực sự đằng sau tin giả COVID-19

·   Hoaxy: Công cụ mã nguồn mở cho phép trực quan hoá độ lan toả của các bài viết, tin tức trên mạng, cũng như tìm kiếm bà viết từ các nguồn không đáng tin cây và tính toán số lượng chia sẻ của những bài viết này theo thời gian.

·   CrowdTangle: Hầu hết các “thám tử” chống tin giả cho rằng CrowdTangle là công cụ mạnh nhất trong lĩnh vực này. Đây là nền tảng quản lý mạng xã hội có khả năng phân tích rất kĩ về mức độ được chia sẻ của bài viết trên Facebook, Instagram và Reddit. 

·   Graphika. Công cụ này cho phép bạn tạo bản đồ về mạng xã hội và tìm mối liên hệ giữa các tên miền. Một công cụ khác phức tạp hơn nhưng rất hữu ích trong việc trực quan hoá dữ liệu là Gephi.

·   Nếu muốn điều tra nguồn tài chính đứng sau tin giả và các cạm bẫy, các công cụ như DNSlytics.com giúp truy dấu bài quảng cáo và các hoạt động thương mại khả nghi trên các trang web. Sẽ mất một khoản phí để nâng cấp tài khoản lên premium. Với các toà soạn có đủ nguồn lực cho điều tra, Adbeat là một công cụ rà soát các trang web và cung cấp thông tin hữu ích về quảng cáo. 

·   Whopostedwhat: Được tạo ra bởi chuyên gia tình báo online Henk van Ess, đây là công cụ thiết kế cho những nhà điều tra vì lợi ích công bằng cách tìm kiếm Facebook theo từ khoá và thời gian. Cùng với công cụ kiểm chứng video InVID và CrowdTangle, đây là một công cụ rất được tin tưởng để tìm ra tác giả của tin giả trên mạng xã hội. 

·   Tìm kiếm trên Google bằng câu hỏi, thay vì câu trả lời. Bà Rinehart của First Draft nói rằng nếu bạn chỉ gõ một nửa câu hỏi lên Google, ví dụ “Tại sao chính phủ liên bang Hoa Kỳ…” — bạn sẽ được gợi ý cả tá câu hỏi phổ biến khác. Từ đó, là một phóng viên, bạn có thể đoán được cộng đồng mạng đang nghi ngờ gì hay không biết điều gì khi tiêu thụ tin tức. Một ví dụ rất nổi tiếng là câu hỏi “EU là gì” đã lên top tìm kiếm Google ngay sau khi nước Anh bỏ phiếu Brexit. 

Làn sóng thông tin sai lệch nguy hiểm ở châu Á

Syed Nazakat, chủ tịch Hiệp hội các nhà báo châu Á và là thành viên hội đồng quản trị GIJN, hiện làm việc ở Delhi, cho biết ông đã quan sát được bốn làn sóng tin giả về đại dịch ở châu Á: đầu tiên, về nguồn gốc của nó; sau đó là những câu chuyện không liên quan từ quá khứ lại được cho là liên quan đến virus; rồi về phương pháp chữa trị, và cuối cùng là về việc cách ly xã hội.

Nazakat cảnh báo rằng làn sóng tiếp theo trong vài tháng tới có thể sẽ là các chiến dịch tin giả có tổ chức để chống lại sự phát triển của vắc-xin.

“Tôi nói với các bạn, tôi có thể thấy rằng chúng sắp đến rồi, và sẽ được tổ chức bài bản và ồ ạt hơn những gì chúng ta đã thấy,” ông nói. “Điều này có thể sẽ cản trở hoặc phá hoại bất kỳ tiến bộ nào về vắc-xin, hoặc mọi người sẽ tránh dùng vắc xin chỉ vì những tin đồn này. Tôi đang nói về hàng ngàn video mỗi ngày chống lại vắc-xin. Các phóng viên sẽ rất bận rộn đây.”

Nazakat – người sáng lập công ty khởi nghiệp về báo chí dữ liệu DataLEADS – cho biết các thuyết âm mưu về vắc-xin đã bùng nổ trên khắp Pakistan sau khi tin tức nổ ra về việc cơ quan tình báo Mỹ CIA tổ chức một chuyến thăm tiêm chủng tại tổ hợp của Osama Bin Laden ngay trước cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào người lãnh đạo al-Qaida năm 2011. Ông cho biết những lo ngại đó hiện đang bị lợi dụng trong đại dịch COVID-19.

“Kể từ khi đại dịch bắt đầu, đã có nhiều người nói COVID không có thật, đây chỉ là một nhiệm vụ của CIA mà thôi,” ông chia sẻ. “Chúng tôi đã xem rất nhiều video tiếng Hindi, Bangla về các cách chữa trị, từ tỏi đến nước đái bò, và chúng tôi cũng thấy rất nhiều thuyết âm mưu bằng tiếng Urdu – một ngôn ngữ rất phổ biến ở Pakistan và Ấn Độ.”

Một trong số các lí do chính là vắc xin. COVID được dùng làm vũ khí dùng để rấy lên sự thù ghét với người đạo Hồi. Chúng tôi cũng đã viết cả trăm bài về ‘các phương pháp chữa trị COVID” không có bằng chứng khoa học. Sau đó chúng tôi điều tra ai tung tin, và hoá ra một phần rất lớn chính là các nhóm lợi ích liên quan đến các phương thuốc thay thế này. 

Health Analytics Asia, một bộ phận của DataLEADS đã phối hợp với bác sĩ ở 17 nước châu Á nhằm kiểm chứng theo thời gian thực những bài viết về cách chữa COVID. 

Phơi bày những kẻ lừa đảo  

Phóng viên Silverman của BuzzFeed đã biên tập một số cuốn sách để giúp các phóng viên xử lý thông tin sai lệch, trong đó có “Cẩm nang kiểm chứng: Hướng dẫn xác minh nội dung kỹ thuật số cho khi đưa tin khẩn cấp”

Tháng 5 vừa qua, ông Silverman đã điều tra các tin giả có tổ chức về việc chống đeo khẩu trang trên Facebook, và tiếp tục phát hiện ra một vụ lừa đảo lớn về giá không chỉ vơ vét túi tiền của khách hàng mà còn lừa được cả Facebook.

Quá trình điều tra của Silverman có thể được coi là một ví dụ đáng học hỏi cho các phóng viên muốn phơi bày những mạng lưới tin giả và những kẻ lừa đảo, bắt đầu bằng một nội dung đáng ngờ.

Trong một hội thảo trực tuyến về GIJN về tin giả, Silverman kể về một lần ông bắt gặp một quảng cáo trên Facebook về mặt nạ N95 trích dẫn số liệu thống kê sai, và trích dẫn từ một vị “đại tướng phẫu thuật” của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ – một vị trí không hề tồn tại.

Mặc dù liên kết (URL) cho cửa hàng trực tuyến đó không cung cấp nhiều thông tin, Silverman đặt URL đó trong dấu ngoặc kép và tìm kiếm trên Google. Kết quả nhận được là tất cả các trang Google đã lập chỉ mục về URL đó, bao gồm các cộng đồng PayPal, khiếu nại từ các khách hàng đã bị lừa đảo và tên của công ty bán khẩu trang: ZestAds. Silverman tiếp tục tìm kiếm hai từ khoá riêng biệt, “khẩu trang” và “ZestAds”, và tìm ra hàng trăm khiếu nại của khách hàng về thông tin giả mạo và khẩu trang quá đắt, hay đơn hàng không bao giờ tới.

Sau khi truy cập vào các “trang liên quan” và tất cả các mục bên cạnh trên trang Facebook chính thức, kể cả mục “Review” và “About” để tìm kiếm thêm bình luận, ông nhấp vào hộp Transparency (một công cụ của Facebook) của trang này và tìm thấy một công ty Hoa Kỳ khác, ngoài ZestAds, được ghi là chủ nhân của trang. 

Đối với Silverman, sự khác biệt này là một trong những dấu hiệu đáng ngờ về mặt kinh doanh. Một điều nữa là người quản lý trang được cho là của Mỹ này lại đang ở Tây Ban Nha.

Ngoài ra còn có một nhóm Facebook dành riêng cho các khiếu nại về công ty cung cấp các bản sao biên lai – và những bản sao này lại cung cấp đường dẫn tới các cửa hàng trực tuyến cũng do ZestAds thiết lập.

Silverman sau đó đã sử dụng một kỹ thuật gọi là “nặn bóng tuyết” để điều tra quy mô của mạng lưới này, bao gồm số lượng trang Facebook và các cửa hàng trực tuyến bán khẩu trang.

“Chúng ta đang thấy sự nở rộ của các công ty bán sản phẩm trên Facebook sử dụng Shopify làm cửa hàng của họ, những cửa hàng ảo chỉ mất vài phút để thiết lập, và tiếp tục tạo ra hàng tấn cửa hàng như vậy để đánh lừa mọi người và ăn cắp tiền của họ,” ông nói.

Biết rằng những kẻ lừa đảo thường không có thời gian để viết phần “Giới thiệu” khác nhau cho mỗi cửa hàng, Silverman đã trích xuất các câu từ trang “Giới thiệu” của một số cửa hàng nói trên, đặt chúng vào ngoặc kép và tìm trên Google. Ông tìm thấy gần 300 cửa hàng và cất công vào từng trang web – đồng thời ghi chép tất cả các thông tin vào vào một bảng tính để xem liệu tất cả chúng có cùng trong một mạng lưới lừa đảo hay không.

“Đến đây thì sự hào nhoáng của cuộc điều tra cũng biến mất,” anh nhận xét. “Nhưng việc nhập dữ liệu thủ công thực sự rất quan trọng, bởi tôi sẽ có được một cảm nhận rất chắc chắn về từng cửa hàng và những thứ họ đang làm, sau khi đã tận mắt nhìn thấy chúng”.  

Sau đó, ông sử dụng cụm từ tìm kiếm “site:facebook.com”, với tên của gần 200 công ty trong mạng lưới để thiết lập một bản đồ về sự thâm nhập của chúng trên mạng xã hội.

Silverman được dẫn đến một trang Facebook của một cửa hàng trực tuyến, “qomingsoon.com,” và với trang này thì công cụ Transparency đưa ông đến địa điểm chính xác của trụ sở lừa đảo: một công ty ở Malaysia. 

“Hóa ra ZestAds đã tìm ra một cách xoay ngược quy trình thêm chủ sở hữu trang của Facebook. Họ đã chủ động đánh lừa mọi người và lợi dụng Facebook,” anh nói.

Silverman sau đó đã thực hiện tìm kiếm trên trang Whois.net và DomainBigData.com để tìm hiểu lịch sử đăng ký tên miền của những kẻ này.

“Vào thời điểm đó, Facebook đang cấm tất cả các quảng cáo khẩu trang,” Silverman kể. “Vì vậy, chúng tôi không chỉ vạch trần một công ty đang kiếm lời từ khách hàng với thông tin không chính xác, mà còn chỉ ra rằng Facebook đang không thực hiện được chính sách của họ.”

BuzzFeed sau đó gửi cho Facebook một danh sách gần 100 trang liên quan đến ZestAds. Facebook gửi cho công ty này một lá thư chấm dứt và ngừng hoạt động, và từ đó đã cấm ZestAds hoạt động trên nền tảng của họ.

06   kỹ thuật để tìm ra những kẻ tung tin giả 

· Tìm ảnh đại diện được đăng lên sớm nhất của tài khoản mạng xã hội bạn đang điều tra. Hãy nhìn vào số like và bình luận của bức ảnh này. Thường thì những người thân thiết với chủ nhân trang, thậm chí chính chủ nhân của trang, sẽ là những người đầu tiên bấm thích những bức ảnh đầu tiên.

· Thông tin thường được trình bày hơi khác giữa Facebook bản cũ và mới, vì vậy bạn có thể chuyển qua chuyển lại giữa hai phiên bản này để xem có thông tin hoặc dữ liệu nào mới xuất hiện trong một phiên bản nào đó không. Hãy để ý đến những biên lai đăng lên trong các nhóm Facebook mà khách hàng dùng để khiếu nại về sản phẩm.

·   Khi bạn muốn liên hệ với kẻ tung tin để tìm hiểu động cơ của họ, một điều quan trọng là hãy giới thiệu bản thân là phóng viên. Một số phóng viên nhận ra rằng những kẻ tung tin thường dễ đồng ý trả lời phỏng vấn hơn khi bạn tiếp cận họ theo hướng mức độ phổ biến của trang, thay vì tập trung vào nội dung. “Dừng lừa họ về mục đích của mình, nhưng họ rất thích nói chuyện về độ nổi tiếng của mình,” phóng viên Capron của đài France 24 lưu ý. 

·   Đặt phần giới thiệu trên các trang web nghi lừa đảo trong dấu ngoặc kép và tìm kiếm để xem có trang web nào khác cũng được thiết lập như vậy không. Hãy dùng ngoặc kép cho đường dẫn và tên miền, ví dụ “site:youtube.com”.

·   Xác định những thông tin có thể sai lệch bằng cách dựa vào các dấu hiệu khả nghi như ngôn ngữ quá kích thích cảm xúc hay quá cực đoan, hoặc các lời yêu cầu quá khẩn cấp như “Hãy đọc tin này trước khi Twitter xoá nó.” Những bài viết theo công thức cũng là một dấu hiệu khả nghi khác. Hãy lưu ý các trang có đuôi “.news” bởi các mạng lưới tin giả thường dùng những tên miền này để tách biệt những độc giả có hệ tư tưởng khác nhau.

·   Tránh việc vô tình làm phát tán thông tin sai lệch hoặc quảng cáo miễn phí cho các tổ chức cực đoan bạn đang điều tra. Aimee Rinehart của tổ chức First Draft gợi ý rằng các câu chuyện về tin giả bởi nhóm thuyết âm mưu như QAnon loại bỏ từ “QAnon” ra khỏi tiêu đề và ba câu đầu tiên, để giảm thiểu nguy cơ từ khoá này lên top tìm kiếm. Nhà báo Silverman thì cho rằng những câu chuyện như trên cần được bắt đầu bởi sự thật, sau đó mô tả tin giả một cách cẩn thận, và lại nhắc lại sự thật gần cuối bài để độc giả có thể ghi nhớ sự thật. “Hãy bắt những kẻ tung tin giả chịu trách nhiệm và đừng cho chúng sự nổi tiếng mà chúng muốn,” Silverman nói. 

Gỡ bỏ những đế chế tin giả

Tháng 6 vừa qua, Viện Đối thoại chiến lược (ISD) có trụ sở tại Vương quốc Anh – một tổ chức xã hội dân sự chống chủ nghĩa cực đoan – đã công bố một điều tra toàn diện về một trong những đối tượng lớn nhất về tin giả COVID-19.

Cuộc điều tra của họ cho thấy 496 tên miền có liên kết với mạng lưới tin cực hữu Natural News có trụ sở tại Hoa Kỳ và người sáng lập Mike Adams, mặc dù các nền tảng mạng xã hội trong đó có Facebook đã cấm tên miền chính đó từ tháng 6 năm 2019.

Mạng lưới tuyên truyền này đã tạo ra nhiều câu chuyện âm mưu sai lệch về các chủ đề như Bill Gates và các tòa tháp 5G. Mạng lưới này cũng là một bên truyền bá siêu cấp của video thuyết âm mưu “Plandemic”, video rao giảng rằng đại dịch COVID-19 đã được tính toán từ trước.

Báo cáo của ISD viết rằng: “Mặc dù đã bị cấm khỏi Facebook vào năm 2019 và một lần nữa vào năm 2020, Natural News và các tên miền có liên quan vẫn được sử dụng để chia sẻ hàng loạt thông tin sai lệch về nhiều chủ đề bao gồm COVID-19 và biểu tình liên quan đến cái chết của George Floyd. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 562.193 tương tác trên các bài đăng liên quan đến các tên miền của Natural News trong vòng chưa đầy ba tháng sau lệnh cấm.

Chloe Colliver, người đứng đầu Đơn vị nghiên cứu kỹ thuật số tại ISD cho biết: “Việc thiết lập mối liên hệ và truy tìm lại thủ phạm chính là mảnh ghép còn thiếu trong cuộc chiến chống tin giả, bởi đây là công việc khó thực hiện nhất. Việc này đòi hỏi một bộ kỹ năng và sự can đảm để vạch trần những nhân vật thường khá bất chính. Điều quan trọng là phải nói với công chúng rằng đây không phải là một hiện tượng không thể kiểm soát. Có những vấn đề quyền lực rất quan trọng cần các nhà báo điều tra.

Bà Colliver cho biết CrowdTangle, Gephi và danh sách các công cụ OSINT của Bellingcat là những công cụ quan trọng khi điều tra các mạng lưới phức tạp. Các nhà nghiên cứu của ISD cũng sử dụng Google Earth Pro để tra xem các địa chỉ trực tuyến liên quan đến Natural News có liên quan đến các địa chỉ thật hay không.

Một kinh nghiệm quan trọng cho các nhà báo từ cuộc điều tra này là một số mạng lưới tin giả lớn nhất còn quan tâm đến việc phân chia khán giả của họ theo các hệ tư tưởng khác nhau, và cất công đưa họ vào các trang web không có những nội dung có thể làm họ khó chịu.

Chẳng hạn, các nhà điều tra nhận thấy những khán giả quan tâm đến sức khỏe và được coi là nhạy cảm với nội dung liên quan đến quyền dùng súng, sẽ được dẫn tới những tên miền “.news” với những nội dung về sức khoẻ sai lệch, nhưng lại không có nội dung tuyên truyền ủng hộ súng.

Những khu vực tin giả cần theo dõi 

Bà Colliver cho biết trong những tháng tới, các toà soạn nên cân nhắc theo dõi thị trường “PR đen” – các công ty được thuê để làm mất uy tín các cá nhân và tổ chức, bao gồm cả các phương tiện truyền thông — bằng cách đặt những thông tin bịa đặt có chủ ý.

“Tôi nghĩ rằng thị trường “PR đen” đang rất ít bị dò xét, và có lẽ thị trường này một vai trò rất to lớn trong việc thực hiện công việc bẩn thỉu của những người tìm cách gây hại thông qua tin giả COVID-19,” bà nói.

“Tôi ngờ là sẽ còn có nhiều thứ được tìm thấy xung quanh những gì Trung Quốc đã và đang làm về tin giả trên khắp thế giới,” theo phóng viên Craig Silverman của BuzzFeed. “Có lẽ đang có những người trên khắp thế giới đang kiếm bộn tiền từ việc này. Chúng ta đã thấy sự phối hợp có tổ chức giữa cộng đồng thuyết âm mưu QAnon, cộng đồng chống vắc xin và cả cộng đồng chống chính phủ cực đoan – họ đã tập hợp nhau lại thành một liên minh trong đại dịch này. Cùng nhau, họ chống đối việc đeo khẩu trang và gieo rắc những diễn ngôn về thuyết âm mưu rằng đại dịch này là một kế hoạch đã được tính toán,” Silverman nói thêm.

Alexandre Capron, phóng viên tại France 24, cho biết quản trị viên trang lừa đảo 20 tuổi mà anh phỏng vấn không hề có ý niệm gì về tác hại mà 37 tin tức giả COVID-19 có thể gây ra cho khán giả.

Một bài viết trong số đó tuyên bố sai rằng Tổ chức Y tế Thế giới ủng hộ phương pháp chữa COVID-19 bằng thảo dược của Madagascar, và một bài khác thì xoay quanh một trích dẫn giả về chống vắc xin gán cho nhà dịch tễ học nổi tiếng người Pháp Didier Raoult.

Người sinh viên đó đã thẳng thắn về kế hoạch tung tin giả và mục tiêu kỳ lạ của trò chơi. “Chiến lược của tụi em là chia sẻ những bài đăng này trong một số nhóm [chính],” cậu sinh viên nói với Capron. “Còn mục tiêu của chúng em là chia sẻ tin tức này để nó có vẻ như là đã thực sự xảy ra.”

“Chiến dịch của cậu ấy nổi tiếng được vì nó lợi dụng sự phẫn nộ của phương Tây trong cộng đồng người Congo xa xứ, và đây chính là những câu chuyện mà mọi người muốn tin,” Capron nói. “Những người này rất trẻ nhưng rất thông minh, và họ hiểu mạng xã hội và những gì mọi người muốn đọc – và đó là tất cả những gì cần thiết.”

Rowan Philp là phóng viên của GIJN. Rowan trước đây là phóng viên chính của Nam Phi Thời báo Chủ nhật. Là một phóng viên nước ngoài, ông đã viết về tin tức, chính trị, tham nhũng và xung đột từ hơn hai chục quốc gia trên thế giới.

Comments are closed.

Close Search Window