MDI trên báo chí|

TPO – Sáng 10-3-2010, Hội thảo khoa học quốc tế “Chống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đăng tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông” đã diễn ra tại Học viện báo chí và tuyên truyền, Hà Nội.

Thiếu tướng Hữu Ước – Tổng Biên tập báo CAND trình bày tham luận “Kinh nghiệm của Báo CAND và ANTG trong lĩnh vực chống xâm phạm danh dự nhân phẩm, uy tín cá nhân và tổ chức”. Ảnh: Việt Hùng

Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại sứ quán Anh nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về vấn đề nêu trên.

Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý báo chí, các giảng viên báo chí, nhà khoa học cùng các nhà báo. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của ông Stephen Whittle và bà Trần Lệ Thùy từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (ĐH Oxford, Anh). Ông Stephen Whittle từng là biên tập viên cao cấp nhất của BBC với vai trò kiểm soát chính sách về nội dung.

Nhiều tham luận đã được trình bày tại hội thảo từ cả hai phía Anh và Việt Nam nhằm nêu rõ thực trạng, tìm kiếm giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn đọc, cá nhân, tổ chức và nhà báo trong giai đoạn hiện nay.

Ông Stephen Whittle và bà Trần Lệ Thùy đã có bài tham luận về “Các quy định chống xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín ở Anh và Việt Nam”. Với các quy định tại Vương quốc Anh, hai tác giả nhấn mạnh tới những cơ sở nhằm biện hộ và bảo vệ nhà báo khỏi sự buộc tội của tòa án Anh liên quan tới vấn đề này bởi nhiều thông tin trên báo hàng ngày của Anh hiện nay là có nguy cơ xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Lý giải vì sao báo chí lại có thể đăng tải những thông tin như vậy, hai tác giả cho biết, đó là vì lợi ích công.

Đọc tham luận tại hội thảo,  TS Hoàng Hữu Lượng – Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định : “Việc chống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đăng tin sai sự thật trên báo chí là việc quan trọng trong quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, đòi hỏi kết hợp cả việc định hướng thông tin, tuyên truyền pháp luật và việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Những năm gần đây việc này đã được Bộ thực hiện tốt, góp phần bảo đảm công tác thông tin song cũng bảo vệ các quyền của tổ chức, công dân”.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, theo ông Lượng, một trong các biện pháp là cần hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có việc xây dựng Luật báo chí mới để tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh và nâng cao công tác quản lý nhà nước về báo chí.


Xem bản gốc tại đây 

Comments are closed.

Close Search Window