Project syndicate|

LĐ – 97-98-99 M.H DỊCH

Bài viết của tác giả Christine Ockrent – cựu Giám đốc điều hành của Kênh truyền hình France 24 và đài RFI, Pháp – nhìn lại quá trình thành công của thủ lĩnh cực hữu, ứng viên Tổng thống Pháp.

Hai thế hệ 

Tôi nhớ rõ lần xuất hiện đầu tiên của ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen trên truyền hình. Đó là thời điểm trước chiến dịch tranh cử t ổng thống năm 2002 và tôi phải điều hành một cuộc tranh luận trên truyền hình công của Pháp. Vì lý do cân bằng chính trị, chúng tôi cần một đại diện của Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), khi đó do bố của bà Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen đứng đầu. Bruno Gollnisch – người quản lý chiến dịch của Jean-Marie và là gương mặt kế nhiệm ông, đã từ chối chúng tôi, và đề nghị cử Marine Le Pen thay thế.

Đó rõ ràng là một cú chơi khăm không chỉ với một cơ quan báo chí được xem là thù địch, mà còn cả với chính bà Le Pen – đối thủ mà ông Gollnisch đã phật ý, bởi theo quan điểm của ông, đã được cha bà thăng chức trong bộ máy của FN. Le Pen lúc đó là một luật sư 33 tuổi ít được biết đến và ít thực tế, dù bà rõ ràng có bản năng cho những cú dứt điểm. Cuối cùng, kế hoạch của Gollnisch có lẽ trở nên phản tác dụng: Vài ngày sau sự xuất hiện của Le Pen, dòng tít chính trên một tạp chí tuần viết: “FN có gì mới? Đó là Marine!”

Ngày 21.4.2002, một thời điểm vẫn còn vang dội trong bộ nhớ chính trị c ủa người Pháp, ông Jean-Marine Le Pen (73 tuổi) giành được 17% số phiếu bầu trong vòng một bầu cử tổng thống, đánh bại cựu Thủ tướng Đảng Xã hội Linonel Jospin, để vào vòng hai bầu cử. Nhưng công dân mọi xu hướng chính trị sau đó đã tập hợp chống lại ông Le Pen trên cái gọi là “mặt trận Cộng hòa”, đem lại cho ứng cử viên bảo thủ Jacques Chirac tới 82% số phiếu để đắc cử.

15 năm sau, Marine Le Pen đã lấy mất hào quang của cha mình, thuyết phục được tới 21,3% số cử tri Pháp chọn bà để kế nhiệm Tổng thống Francois Hollande trong Điện Elysee. Nhưng để thắng vòng hai, bà cần đánh bại ông Emmanuel Macron – ứng cử viên trung dung 39 tuổi, người đã về trước bà trong vòng đầu tiên với 24% số phiếu.

Một người cứng rắn

Câu chuyện sẽ không dễ hơn với bà Marine so với cha bà. Cả hai ứng cử viên, ông Francois Fillon của Đảng Cộng hòa và ông Benoit Hamon của Đảng Xã hội nhanh chóng quay sang ủng hộ ông Macron sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Ông Hamon gọi bà Le Pen là “kẻ thù của nước Cộng hòa”. Một “Mặt trận Cộng hòa” mới, dù nhỏ hơn nhiều, có thể dễ dàng nổi lên.

Nhưng Le Pen là người cứng rắn, và là người vững tin vào số phận mình. Những nỗ lực của bà nhằm sửa lại hình ảnh của FN đã biến đảng này từ một phong trào ngoài rìa thành một lực lượng chính trị lớn. Mặc dù bà từ bỏ nỗ lực đặt lại tên cho FN là “Bleu Marine”, do sự hấp dẫn lâu dài của tên gốc với các cử tri lớn tuổi, nhưng cách tiếp cận đó phản ánh sự sùng bái cá nhân mà bà nuôi dưỡng lâu nay, mà tiêu biểu là việc trấn áp những người bất đồng ý kiến, thậm chí cả cháu gái bà – Marion Marechal Le Pen, một ngôi sao chính trị đang lên.

Thành công của Le Pen phản ánh một sự rửa tội về ý thức mà bà đã thực hiện với cố vấn thân cận nhất – Florian Philippot, người cam đoan rằng ông quyết định ủng hộ bà Le Pen vì tài năng của bà, không phải vì hệ tư tưởng của bà. Thật vậy, cặp đôi này đã sơn phủ FN bằng những lớp sơn mới – tất cả màu xanh, trắng, và đỏ, tất nhiên là vậy.

Trước đó, Le Pen tranh cử giống cha của bà: Sử dụng khổ người to lớn và những cái cau mày nặng nề để đe dọa đối thủ, lấy giọng nói của người hút thuốc của mình để trình bày quan điểm, không bao giờ sử d ụng đến “quân bài phụ nữ”. Nhưng cuối cùng bà phát hiện ra rằng bà có thể chơi cả những phần khác. Bà gầy hơn, ăn mặc đẹp hơn, nói chuyện nhẹ nhàng hơn, và tạo ra một sự lôi cuốn mà cho phép bà thu hút những người ủng hộ trên phổ rộng hơn, từ những người trẻ đang thất nghiệp đến tầng lớp trung lưu đang bất bình, từ những cảnh sát lo lắng về việc mất kiểm soát tới những người nhập cư thế h ệ hai hoặc ba đang mong muốn đóng cửa nước Pháp với người nước ngoài.

Quá trình “không làm xấu” FN đòi hỏi Le Pen phải từ bỏ không chỉ những phát ngôn xấu xí thừa kế từ người cha, mà cả chính cha mình. Mùa hè năm 2015, Marine khai trừ cha mình ra khỏi đảng mà ông đã thành lập năm 1972. Ông bố kiện bà ra tòa nhưng phải đầu hàng vài tháng sau đó.

Đống lửa dân túy 

Tất nhiên, cho dù Le Pen đã từ bỏ những tuyên bố bài xích Do Thái, công khai hoài cổ về một nước Pháp Vichy (Chính phủ Pháp trong Thế chiến thứ hai), tự hào hồi tưởng về chiến tranh Algeria, và thậm chí cả cha mình, nhưng bà vẫn tiếp tục châm đống lửa dân túy. Bà chỉ trích nhập cư, đạo Hồi, toàn cầu hóa, đa văn hóa, NATO, tầng lớp thượng lưu, “hệ thống”, các thị trường, báo chí, và trên hết, chỉ trích Liên minh Châu Âu mà bà xem là con quỷ gây ra tất cả các bệnh tật của nước Pháp.

Đừng bao giờ quan tâm rằng tất cả 23 thành viên FN trong Nghị viện Châu Âu được trả lương bằng tiền của EU, hay việc chính bà Le Pen đang bị điều tra pháp lý về việc sử dụng sai các trợ cấp nghị sĩ EU của bà. Với nhiều người Pháp, tình trạng tức giận, sự bất bình kinh tế và nỗi sợ chủ nghĩa khủng bố còn nổi bật hơn nhiều.

Le Pen cũng đã làm việc rất chăm chỉ để kiến tạo vị thế quốc tế của bà. Trong tháng giêng, bà đã chờ đợi một cách vô ích ở New York với hy vọng được gặp ông Donald Trump, người mà bà nói đã sao chép một số công thức chính trị của bà để thắng cử Tổng thống Mỹ. Ở Mátxcơva, bà đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận tình trạng thế giới.

Dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến hết tuần nọ đến tuần kia, Le Pen và Đảng FN mới của bà có vẻ đã định hình được nhiều việc. Nhưng hai tuần trước, lớp vecni bắt đầu rạn nứt. Các cuộc mít tinh của bà trở nên khiêu khích hơn, phát biểu của bà trở nên hung hăng hơn. Bà tuyên bố r ằng nước Pháp không có trách nhiệm trong việc trục xuất người Do Thái tới các trại tập trung. Đó là cú trượt của một người theo chủ nghĩa phân tâm học của Freud, một sự mệt mỏi trong chiến dịch tranh cử, hay một nỗ lực cố ý để đảm bảo với các chiến binh cũ của FN rằng người dẫn đầu của họ không lạc đường?

Dù thế nào đi nữa, khoảng 7,6 triệu cử tri giờ đây đã công nhận Le Pen là người thích hợp để dẫn dắt nước Pháp (một con số có lẽ được thúc đẩy bởi vụ tấn công khủng bố trên đại lộ Champs Elysees 3 ngày trước cuộc bỏ phiếu). Và trong khi sự kết hợp việc thay đổi thương hiệu và kích động đám đông của bà có thể không đủ để giúp bà thắng cử tổng thống, thì bà cũng đã thành công trong việc biến đổi bộ mặt và tâm lý của nước Pháp trong một thời gian dài sắp tới.

(Bản quyền bài viết: Project Syndicate/MDI, 2017)

Xem bài gốc trên Lao Động 

Xem bài gốc bằng tiếng Anh trên Project Syndicate

Comments are closed.

Close Search Window