Project syndicate|

Project Syndicate/MDI | 20/04/2017 07:40 AM

Nước Pháp đang tiến đến một cuộc cách mạng
Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Nếu hai ứng viên hàng đầu Le Pen và Emmanuel Macron đối đầu nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai vào ngày 7/5 thì đây sẽ là một cú sốc chính trị lớn đối với nước này.

LTS: Pháp đang tiến sát đến vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống được đánh giá là khó đoán nhất trong lịch sử đất nước này. Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết độc quyền của giáo sư Zaki Laïdi (trường Science Po, Paris), cố vấn chính trị của Thủ tướng Pháp Manuel Valls về sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai nước Pháp và cả châu Âu trong nhiều năm tới.

Trong vài tuần tới, nước Pháp sẽ bầu ra Tổng thống mới. Do Tổng thống Pháp có quyền hành pháp khá lớn, bao gồm quyền giải tán Quốc Hội nên cuộc bầu cử Tổng thống năm năm một lần luôn là sự kiện quan trọng bậc nhất. Lần bầu cử này các nguy cơ cao hơn bao giờ hết.

Hai ứng viên hàng đầu là Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia và Emmanuel Macron, Bộ trưởng kinh tế dưới chính phủ của Đảng xã hội Francois Hollande nhưng ứng cử với tư cách ứng viên độc lập.

Nếu diễn biến đúng như chờ đợi, Le Pen và Macron đối đầu nhau trong cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 7/5 thì đây sẽ là một cú sốc chính trị lớn đối với nước Pháp: Lần đầu tiên trong 60 năm qua, các đảng chính của cánh tả và cánh hữu đều không vào đến vòng hai.

Nước Pháp chưa phải trải qua một cuộc hỗn loạn chính trị như vậy từ năm 1958, khi trong cuộc chiến tranh ở Angeri, tướng Charles de Gaulle nắm quyền và soạn Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ năm. Những biến chuyển kiểu này luôn là hệ quả của một loạt nguyên nhân sâu xa và bối cảnh riêng biệt của từng thời điểm.

Nước Pháp đang tiến đến một cuộc cách mạng - Ảnh 1.
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen. Ảnh: Sputnik

Bây giờ cũng không khác gì. Đầu tiên là nguyên nhân sâu xa: Giới tinh hoa ở Pháp (cũng như các nước phát triển khác) đang đánh mất sự tin tưởng. Người dân có cảm giác bị tước quyền, bị ám ảnh bởi toàn cầu hóa kinh tế và sợ nạn nhập cư, lo lắng về tình trạng gia tăng bất bình đẳng.

Những cảm giác này góp phần vào làn sóng tăng ủng hộ đối với Mặt trận Quốc gia. Các thông điệp theo chủ nghĩa quốc gia, bài ngoại của Le Pen và các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa dân túy cũng chính là quan điểm của phía cực hữu.

Mặc dù sự ủng hộ đối với đảng Mặt trận Quốc gia tăng lên trong một thập kỷ qua, đảng này luôn bị nằm ngoài quyền lực do hệ thống bầu cử hai vòng của Pháp. Hệ thống này cho phép cử tri đoàn kết để chống lại đảng này ở vòng hai.

Do đảng Mặt trận Quốc gia không có khả năng thành lập liên minh, quyền lực luôn nằm trong tay hai đảng chính cánh tả và cánh hữu, ngay cả khi nước Pháp đã chuyển hướng theo hệ thống chính trị ba đảng.

Hiện nay, ông Macron đang lợi dụng tình hình để làm bùng nổ hệ thống chính trị ba đảng. Macron nhận thấy điều mà ít người trước đây nhận thấy, đó là việc chia thành cánh tả và cánh hữu ngăn cản sự tiến bộ và cuộc bầu cử Tổng thống này là cơ hội vàng để thoát ra mà không cần một phong trào chính trị có tổ chức.

Trong thời điểm người Pháp đang từ chối hệ thống đảng phái truyền thống thì điều vốn là điểm yếu của Macron nhanh chóng trở thành điểm mạnh của ông ta.

Macron nhận thấy cả cánh tả lẫn cánh hữu đều bị chia rẽ trong những năm gần đây. Việc này rõ hơn từ phía cánh tả vì có sự chia rẽ rõ ràng đang nổi lên giữa nhóm cải cách, đứng đầu là cựu Thủ tướng Manuel Valls và nhóm thủ cựu, đứng đầu là ứng viên đảng Xã hội Benoît Hamon.

Các vấn đề của đảng Xã hội càng bị phức tạp thêm, do họ còn bị đe dọa thay thế bởi một nhóm cánh tả cấp tiến khác.

Nước Pháp đang tiến đến một cuộc cách mạng - Ảnh 2.
Trong thời điểm người Pháp đang từ chối hệ thống đảng phái truyền thống thì điều vốn là điểm yếu nhanh chóng trở thành điểm mạnh của ứng viên Emmanuel Macron. (Ảnh: EPA)

Nguồn gốc của các khó khăn từ phía phe cánh hữu chính thống không rõ ràng. Phe này tiếp tục khá đoàn kết trong các vấn đề kinh tế và chính trị.

Vài tháng trước, ứng viên Tổng thống của phe này, François Fillon của đảng Cộng hòa, được chờ đợi sẽ dẫn đầu vòng bầu cử thứ nhất với lượng phiếu lớn. Nhưng một vụ bê bối cá nhân (ông bị tố cáo trả lương khống cho vợ và con) đã ảnh hưởng đến vai trò ứng cử viên của ông, có thể là đòn chí mạng.

Cho dù sự đi xuống của cánh hữu và sự chia rẽ mâu thuẫn của cánh tả có lý do gì đi nữa, Macron đã được hưởng lợi lớn từ đó. Hiện giờ, ứng cử viên độc lập trẻ tuổi này có cơ hội thực sự để được bầu thành Tổng thống vào ngày 7/5 và sắp xếp lại hệ thống chính trị của nền Cộng hòa Thứ năm.

Nhưng thắng cử chỉ là bước đầu tiên. Để quản trị được hệ thống chính trị lai giữa Tổng thống và Quốc hội của nước Pháp, Macron cần đảm bảo nắm được đa số trong Quốc hội. Điều này mở ra hai kịch bản.

Kịch bản đầu tiên là Macron nhanh chóng chiếm được đa số tại Quốc hội khi cử tri Pháp tìm cách hỗ trợ mục tiêu của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội. Điều này có thể xảy ra nhưng không chắc chắn. Điểm yếu của ứng cử viên độc lập này vẫn là thiếu sự hậu thuẫn của một phong trào chính trị có tổ chức.

Vì vậy cuộc bầu cử vào tháng 6 có thể xảy ra theo kịch bản thứ hai: tạo liên minh để tồn tại ở Quốc hội bao gồm một nhánh nhỏ của phe cực hữu, một nhánh lớn của phe trung dung và một nhánh tuyệt vọng bị chia rẽ của phe tả.

Điều này khá quen thuộc ở các nước châu Âu. Nhưng ở Pháp, nơi chủ nghĩa cộng hoà làm dấy lên dải tư tưởng tả – hữu vốn là nền tảng định hình chính trị ở phương Tây hiện nay, thì kịch bản thứ hai này có thể là một cuộc cách mạng thực sự. Nó có thể là sự cáo chung đối với đảng Xã hội.

Với quyền lực biểu trưng là sự chia phe tả – hữu, cử tri Pháp và các nhà lãnh đạo chính trị từ lâu đã định dạng các vấn đề của đất nước trong các thuật ngữ liên quan đến tư tưởng. Công chúng và các chính trị gia có rất ít kinh nghiệm với một chính phủ dựa trên các thoả thuận liên minh rộng.

Điều này giải thích một phần vì sao hệ thống chính trị trở lên bế tắc và đôi khi làm khó cho việc thực thi các hoạt động cải tổ và tại sao thông điệp của Macron, bao gồm các kế hoạch cải tổ rõ ràng là khác thường ở Pháp.

Nếu Le Pen trở thành nhân vật đứng đầu thì nền chính trị Pháp – chưa nói đến Liên minh châu Âu – sẽ bị đảo lộn. Ngay cả với Macron, mặc dù cố tỏ ra vừa phải, cũng là người có lập trường cấp tiến. Với cả hai ứng viên có khả năng vào vòng hai của cuộc bầu cử như vậy, nước Pháp đang trên đường đến một cuộc cách mạng chính trị, dù ai thắng cử đi nữa.

theo Trí Thức Trẻ

Đọc bản gốc trên Soha News

Đọc bản tiếng Anh trên Project Syndicate

Comments are closed.

Close Search Window