COVID-19, Nghiệp vụ báo chí|

Mạng lưới Báo chí Quốc Tế IJNet đưa ra 10 lời khuyên dành cho các nhà báo khi đưa tin về dịch bệnh COVID-19. Đây là kinh nghiệm từ nhiều phóng viên từ vùng dịch và đã từng đưa tin các dịch bệnh trước như Ebola. MDI dịch và giới thiệu.

“Nhiệm vụ của nhà báo là truyền đạt thông tin đáng tin cậy và có trách nhiệm tới công chúng. Đối diện với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, giống như hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với COVID-19, vai trò này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

“Có rất nhiều lớp ‘sương mù thông tin’ trong khoảng thời gian này, và bạn có trách nhiệm băng qua lớp mây mù đó để có được một bức tranh rõ ràng.” – Michael Standaert, một nhà báo tự do tại Thâm Quyến, đã viết cho Bloomberg, The Guardian, Al Jazeera và nhiều báo khác cho hay. Anh đã viết về virus corona ở Trung Quốc kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 12/2019.

Đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng, các nhà báo cần phải biết cân bằng giữa việc thông báo cho công chúng và gieo rắc nỗi sợ hãi – mặc dù việc này khó như đi trên dây. “Bạn muốn tránh ru ngủ mọi người trong sự tự mãn,” TS.Stephen Morse, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia cho biết. Tuy vậy bạn cũng không muốn thổi phồng nó lên đến mức tạo ra sợ hãi hoặc hoảng loạn vô căn cứ, ông nói thêm.

Ở Trung Quốc, nhiệm vụ này thậm chí còn trở nên khó khăn hơn khi đối mặt với sự kiểm duyệt của chính phủ. Standaert đã nhận thấy ngày càng khó khăn để thuyết phục các nguồn tin trả lời phỏng vấn, vì nhiều công dân Trung Quốc sợ bị cảnh báo hoặc khiển trách. “Thật điên rồ và đáng lo ngại khi một người dân bình thường nghĩ rằng họ không thể nói lên suy nghĩ của mình khi quan chức chính quyền địa phương chưa cho phép.” – Standaert nói với IJNet.

Tuy điều kiện khó khăn, các phóng viên như Standaert vẫn phải tiếp tục viết những câu chuyện về coronavirus. Để giúp các nhà báo trên toàn thế giới đưa tin tốt hơn về dịch bệnh này, IJNet đã biên soạn một danh sách các lời khuyên, những thận trọng cần có khi viết về COVID-19.

—————-
1. HIỂU ĐÚNG TÌNH HÌNH THỰC TẾ

Như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trên toàn thế giới, có rất nhiều thông tin và không phải tất cả đều tốt. Thông tin tràn lan trên Internet có thể đánh lừa khán giả, giống như hình ảnh người đàn ông nằm chết trên đường phố ở Vũ Hán được bao quanh bởi các nhân viên y tế. Bức ảnh này được mệnh danh là hình ảnh của cuộc khủng hoảng coronavirus Vũ Hán bởi tờ The Guardian – mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy người đàn ông thực sự đã chết vì coronavirus.

Đưa hình ảnh về cuộc khủng hoảng là rất cần thiết, nhưng việc này cần phải được thực hiện một cách có trách nhiệm. Các phóng viên nên chắc chắn rằng hình ảnh họ đưa mô tả chính xác những gì đang diễn ra. Những bức ảnh giật gân, giống như tấm ảnh người đàn ông chết trên phố, đưa ra một bức tranh không chính xác và gieo rắc nỗi sợ hãi. “Các bức ảnh từ Vũ Hán là rất quan trọng để hiểu đúng trình tự của các sự việc và giúp ích cho lưu trữ sau này,” Betsy Joles, phóng viên ảnh tự do tại Bắc Kinh và đã viết cho Al Jazeera, Columbia Journalism Review, NPR, v.v nói với IJNet.

Trước khi bắt đầu chụp ảnh hoặc viết – hãy quan sát xung quanh, nói chuyện với mọi người để hiểu đúng tình hình đang xảy ra. Sau đó, bạn đưa những thông tin này vào bài và tránh bất kỳ nội dung nào có thể mâu thuẫn với những gì mọi người đang thực sự trải qua.

“Sẽ không có gì sai khi mô tả nỗi sợ và sự không chắc chắn trong bài viết, nếu đó thực sự là tình hình thực tế,” Standaert nói. “Tuy nhiên, bạn cần phải rất cẩn thận nếu bạn thông tin bạn có chỉ là từ một số người.”

(2) TẬP TRUNG VÀO VIỆC ĐƯA THÔNG TIN, TRÁNH PHÂN TÍCH

Ý kiến ​​và phân tích có vai trò quan trọng, nhưng hiên tại đang quá sớm để chúng ta thực sự hiểu được hệ quả quy mô lớn của dịch bệnh này, PV Betsy Joles nói. “Tôi đã tránh tối đa đưa ra ý kiến cá nhân trong giai đoạn này vì còn rất nhiều điều cần tìm hiểu.”

Chẳng hạn, đừng theo chân tờ The Wall Street Journal đăng tải một bài ý kiến dán nhãn Trung Quốc là “dân tộc bệnh thực sự của Châu Á”. Bài viết này sau đó bị chỉ trích rộng rãi là phân biệt chủng tộc và còn suy diễn về sự sụp đổ kinh tế của cả đất nước này do coronavirus. Vẫn còn quá sớm để chúng ta biết được hậu quả dài hạn về mặt tài chính.

PV Standaert cảnh báo về những bài viết cố tình gây ra sự chia rẽ về chính trị trong hoặc ngoài Trung Quốc. “Chúng ta chỉ mới đang ở hiệp 3 của một trận bóng,” ông nói, “và chúng ta vẫn không thể biết mọi thứ sẽ kết thúc ra sao.”

Trung Quốc đã trục xuất ba phóng viên của Wall Street Journal sau bài viết trên — một bước đáng lo ngại hơn về tự do báo chí, bất chấp bài báo có vấn đề về mặt góc nhìn.

(3) CẨN THẬN KHI VIẾT TIÊU ĐỀ

Lời khuyên này được gửi tới tất cả các biên tập viên: đừng đánh lừa độc giả bằng cách “giật tít”. Với khối lượng thông tin khổng lồ và tốc độ nhanh chóng của mạng xã hội, nhiều người chỉ đọc tiêu đề mà không đọc nội dung bài viết. Mặc dù bạn muốn bài của mình nghe hấp dẫn, nhưng đừng bao giờ hy sinh sự thật cho những cú click – đừng bao giờ làm thế, nhưng đặc biệt giữa các cuộc khủng hoảng thì càng không nên làm thế.

“Tôi đã cố gắng đề xuất các tiêu đề phản ánh đúng tình huống và không giật gân,” PV Betsy Joles nói.

(4) HÃY NHỚ: KHÔNG PHẢI TẤT CẢ CÁC SỐ LIỆU ĐỀU CHÍNH XÁC

Nhà báo dựa vào những con số và dữ liệu là một phần quan trọng của bài báo. Tuy nhiên, TS.Morse của ĐH Columbia cảnh báo rằng dữ liệu không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

“Khi bạn nhìn thấy những con số từ một dịch bệnh, hoặc một căn bệnh, chúng sẽ không chính xác”, ông nói. “Và chúng không chính xác nhất ở thời điểm dịch mới bùng phát.”

Đừng bỏ qua dữ liệu mà bạn đang có, nhưng hãy đảm bảo khán giả của bạn hiểu được những hạn chế và sự không chắc chắn đằng sau những con số đó.

2019-nCoV có thời gian ủ bệnh ước tính lên tới 14 ngày, điều đó có nghĩa là nó có thể khiến ai đó nhiễm virus và không có bất kỳ dấu hiệu nào trong hai tuần. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong các con số, TS.Morse chia sẻ.

(5) NÓI CHUYỆN VỚI CÀNG NHIỀU NGƯỜI KHÁC NHAU CÀNG TỐT

COVID-19 ảnh hưởng đến cư dân nhiều thành phố, nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp xã hội. Trải nghiệm của những người bị ảnh hưởng ở Trung Quốc sẽ không giống với những người ở Singapore, và cũng không giống ở Ý. Ngay cả trong một quốc gia hay trong một thành phố, vẫn có rất nhiều sự khác biệt.

“Những người bị phong toả không phải ai cũng đang bệnh và hấp hối. Một số người trong số họ chỉ đơn giản là chán và không có việc gì làm,” PV Joles nói.

Các phóng viên có trách nhiệm làm hết sức mình để nắm bắt những thực tế khác nhau mà mọi người đang trải nghiệm. “Điều này yêu cầu các nhà báo phải “đánh bắt thật xa và rộng” khi tìm kiếm nguồn tin, kể cả khi chỉ đưa tin trong một thành phố cũng cần tìm nhiều nguồn ở nhiều tầng lớp xã hội,” Joles chia sẻ thêm.

Còn PV Standaert thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nói chuyện với càng nhiều người càng tốt, đặc biệt ở các quốc gia có kiểm duyệt thông tin rõ rệt. Anh thấy việc tìm ra các nguồn tin sẵn sàng cung cấp cho anh một bức tranh chính xác đang ngày càng khó khăn hơn ở Trung Quốc.

“Ví dụ, chúng tôi biết rất nhiều nhà máy đang gặp khó khăn để bắt đầu lại. Thế nhưng rất nhiều trong số các công ty này lại đang cố phủ nhận điều đó,” anh nói. “Bạn cần nói chuyện với nhiều công ty, với công nhân của họ và bạn phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau để biết điều gì đang thực sự diễn ra.”

(6) TRÁNH NHỮNG NGỤ Ý PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC

Trong quá khứ, những dịch bệnh toàn cầu đã từng có lịch sử lan truyền nạn phân biệt chủng tộc và tư tưởng bài ngoại. Dịch COVID-19 cũng không khác. Trong tháng 2/2019, một người đàn ông Singapore gốc Trung Quốc đã bị tấn công ở London, những kẻ tấn công anh ta nói rằng họ không muốn “virus corona của anh ấy”.

Các khu phố Tàu ở khắp các thành phố ở Mỹ, từ San Francisco, Los Angeles đến New York cũng đã bị mất rất nhiều khách.

Các phương tiện truyền thông phải cẩn thận để không khuyến khích các khuôn mẫu hoặc vô tình thúc đẩy các diễn giải phân biệt chủng tộc. Hiệp hội các Nhà báo Mỹ gốc Á đã công bố một danh sách khuyến nghị cho các nhà báo.[*] Trong số những gợi ý của họ: thêm thông tin về bối cảnh vào ảnh của những người có mặt nạ, tránh những hình ảnh về khu phố Tàu trừ khi những khu này liên quan trực tiếp đến câu chuyện và không sử dụng bất kỳ chỉ dẫn địa lý nào trong tên của virus (Ví dụ: không gọi “virus Vũ Hán” mà cần gọi đúng tên virus là 2019-nCoV).

(7) CÂN NHẮC KỸ CÁCH BẠN PHỎNG VẤN CHUYÊN GIA

Bạn có thể là một ngòi bút phi thường, nhưng nếu không tìm được nguồn phù hợp thì chất lượng bài viết của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Hãy cẩn thận tìm hiểu những chuyên gia bạn cần và quan điểm của họ.

“Vấn đề không chỉ là tìm một chuyên gia giỏi,” TS Morse nói. “Chúng ta còn cần tìm kiếm những người có đủ khả năng đứng tách biệt với những thành kiến của họ – hoặc sẵn sàng tuyên bố những thành kiến của họ — bởi vì tất cả chúng ta đều có những thành kiến nhất định.”

Khi bạn xác định được một chuyên gia, hãy thẩm vấn những thành kiến của họ và đừng chỉ tin chuyên gia nào đó vì thành tích của người ấy. Làm được điều này bạn sẽ không chỉ hiểu được thế giới của họ mà câu chuyện của bạn cũng sẽ được củng cố hơn.

Nhiều nhà báo dựa vào các mô hình giả định để hiểu căn bệnh sẽ lây lan như thế nào. Tuy nhiên, các mô hình này đều dựa trên các giả thiết — TS.Seema Yasmin, phóng viên và người nhận học bổng John S.Knight tại ĐH Stanford, nói trong một hội thảo trực tuyến gần đây từ Trung tâm Báo chí Sức khỏe (CHJ) tại Đại học Nam California Annenberg. Luôn luôn hỏi các chuyên gia họ đang dựa vào những giả thiết nào.

(8) ĐỪNG BỎ QUA NHỮNG CÂU CHUYỆN “KHÔNG GIẬT GÂN”

Một câu chuyện liên quan đến toàn thế giới như COVID-19 yêu cầu nhiều nghiêp vụ điều tra chuyên sâu. Tuy nhiên, không phải mọi câu chuyện bạn viết ra cũng sẽ được đề cử giải Pulitzer — Emily Baumgaertner, một phóng viên y tế của Los Angeles Times, nói trong hội thảo trực tuyến CHJ. Chẳng hạn, bạn có thể cần phải viết một bài dài cả trang về việc làm thế nào để rửa tay đúng cách – và điều đó cũng tốt thôi.

Hãy tập trung nỗ lực để trả lời câu hỏi của độc giả. Sử dụng Google Trends để hiểu rõ hơn loại thông tin mà mọi người đang tìm kiếm và sau đó tạo ra nội dung chất lượng để họ có thể tham khảo.

(9) ĐẶT RA GIỚI HẠN CHO CÔNG VIỆC

Biên tập viên có thể sẽ tiếp cận bạn thường xuyên hơn trong thời điểm này. Biết nói không là rất quan trọng – vì lợi ích của bạn và vì chính chất lượng công việc. Dành 24 giờ để rời khỏi máy tính và xốc lại tinh thần sẽ giúp bạn phấn chấn và có thể theo đuổi các góc độ mới, PV Standaert khuyên. “Một ngọn lửa tốt cần không gian giữa các khúc gỗ,” anh nói.

Hãy chậm lại để đánh giá những câu chuyện bạn muốn kể, như vậy bạn sẽ không bị cuốn vào cùng với cơn sốt cuả xã hội. “Thay vào đó, bạn có thể tập trung kể một vài câu chuyện một cách tốt nhất,” PV Betsy Joles nói.

Mạng xã hội có thể là một công cụ hữu ích để kết nối với mọi người ở các khu vực khác của đất nước – đặc biệt nếu bạn được khuyên tránh du lịch hoặc các cuộc tụ họp lớn – nhưng đôi khi chúng có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

“Dành thời gian trên Twitter và Facebook ít thôi,” cô khuyên. “Chúng là một yếu tố khiến bạn bồn chồn lo âu đó.”

(10) CỐ GẮNG THEO ĐUỔI CÂU CHUYỆN KỂ CẢ KHI DỊCH BỆNH CHẬM LẠI

Mọi thứ sẽ có điểm dừng, nhưng không có nghĩa là công việc của bạn sẽ kết thúc. TS.Yasmin cho rằng có rất nhiều điều xảy ra sau một dịch bệnh cần được các phóng viên tìm hiểu.

Bạn có thể đánh giá cách các chính trị gia và các quan chức y tế xử lý khủng hoảng, xác định bài học kinh nghiệm, xác định xem những người sống sót có còn phải chịu đựng sự kỳ thị hay không và khám phá ý nghĩa khi mọi thứ “bình thường” trở lại, TS Yasmin đề xuất.

Chuyên môn của Yasmin thực sự đã cất cánh sau khi cô đưa tin về cuộc khủng hoảng Ebola từ 2014-16. Những câu chuyện hậu đại dịch của cô đã trở thành hình mẫu cho các phóng viên khác, như “Tại sao những người sống sót sau Ebola phải vật lộn với các triệu chứng mới”[**], hay “Một phụ nữ sống sót sau Ebola nhưng không qua khỏi việc mang thai ở Châu Phi”[***].

——————
Nguồn: Mạng lưới các Nhà báo Quốc tế IJNet (https://ijnet.org/…/s…/10-tips-journalists-covering-covid-19)
Dịch bởi MDI
——————
Link được trích dẫn trong bài:
[*]Khuyến nghị của Hiệp hội các Nhà báo Mỹ gốc Á: https://www.aaja.org/guidance_on_coronavirus_coverage
[**]https://www.pbs.org/…/why-ebola-survivors-struggle-with-new…
[***]https://blogs.scientificamerican.com/…/a-woman-survives-eb…/
—————–

Các phóng viên có thể tham khảo thêm:

1.Ủy ban bảo vệ các nhà báo CPJ: Cách đưa tin về sự bùng phát của coronavirus: https://cpj.org/…/cpj-safety-advisory-covering-the-coronavi…
2. Tạp chí Khoa học Mỹ: Đưa về sự bùng phát COVID-19 một cách có trách nhiệm (https://blogs.scientificamerican.com/…/how-to-report-on-th…/)
3.Poynter: Đưa tin về coronavirus theo lời khuyên của AP Stylebook (https://www.poynter.org/…/ap-stylebook-tips-on-the-coronav…/)
4.The Open Notebook: Đưa tin về coronavirus mà không truyền bá thông tin sai lệch (https://www.theopennotebook.com/…/tipsheet-covering-the-co…/)

Comments are closed.

Close Search Window