Báo chí điều tra, Nghiệp vụ báo chí|

Supriyanto, công dân người Indonesia, chết trên một tàu cá của Đài Loan ngoài khơi Thái Bình Dương, cách bờ biển đảo quốc Micronesia vài trăm cây số. Trong ba đoạn clip quay lại bởi một người bạn thuyền viên, mặt ông sưng u, đầu lở loét, có dấu hiệu bị đánh đập. Các thuyền viên của tàu cá Fu Tzu Chun tố cáo vị thuyền trưởng người Đài Loan đã tra tấn Supriyanto đến chết.

Cái chết của Supriyanto là một cú sốc với gia đình anh và nhiều thuyền viên, nhưng với giới quan sát hàng hải, đây không phải là chuyện hiếm. Nắm trong tay một vài tài liệu về Supriyanto từ năm 2015, các phóng viên của tờ The Reporter Đài Loan đã liên lạc với TEMPO, một tờ báo lớn của Indonesia, đề nghị mở một cuộc điều tra diện rộng về bạo lực trong ngành khai thác thuỷ sản của Đài Loan. Những gì họ tìm được không phải một Supriyanto, mà là hàng vạn thuỷ thủ người Indonesia bị lừa sang lao động trái phép cho các tàu cá nước này. Trong gần hai tháng phỏng vấn các thuỷ thủ, cò mồi, chủ tàu và đơn vị làm giả giấy tờ, nhóm phóng viên đã khui ra một đường dây chuyên tìm kiếm, mồi chài dân nghèo Indonesia sang Đài Loan đánh bắt ở các vùng biển quốc tế từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Không có visa, không giấy tờ, bị giữ lương, lênh đênh trên những vùng nước không thuộc chủ quyền của quốc gia nào và không có pháp luật nào bảo vệ, những người này thường xuyên phải làm việc hơn 20 tiếng một ngày, bị bỏ đói, bị đánh đập, sốc điện, thậm chí tra tấn đến chết mà không có đường trốn thoát.

Phóng sự Nô lệ trên biển. Ảnh chụp màn hình.

Phóng sự Nô lệ trên biển của tờ TEMPO (Indonesia) và The Reporter (Đài Loan) là một ví dụ xuất sắc cho báo chí điều tra xuyên biên giới (cross-border investigation), khi câu chuyện của địa phương thực chất là câu chuyện của chuỗi cung ứng xuyên quốc gia (international supply chain). Nhìn từ góc độ này, có rất nhiều câu chuyện quốc tế về Việt Nam cần được khai thác – từ xuất khẩu lao động, buôn bán người xuyên biên giới, những kẻ ấu dâm xuyên quốc gia, đến những khuất tất trong các ngành được rót vốn đầu tư FDI. Bà Sherry Lee, tổng biên tập tờ The Reporter, người tham gia làm phóng sự Nô lệ trên biển, cho biết thuyền viên trên các tàu cá Đài Loan không chỉ có người Indonesia, mà còn có cả công dân Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ông Wahyu Dhyatmika, tổng biên tập tờ TEMPO cũng trích dẫn Chỉ số Nô lệ Toàn cầu 2018 (Global Slavery Index) – trong đó top 5 ngành người lao động dễ bị bóc lột, hay còn gọi là ‘nô lệ thời hiện đại’ (modern slavery) nhất bao gồm: linh kiện điện tử, may mặc, thuỷ hải sản, cacao và mía đường.

Từ kinh nghiệm của các toà soạn đã thực hiện thành công việc điều tra xuyên quốc gia tại Hội nghị báo chí điều tra châu Á 2018, sau đây là một vài kĩ năng phóng viên có thể áp dụng khi câu chuyện vượt ra khỏi biên giới của Việt Nam.

Hãy thuộc lòng ngôn ngữ thương mại quốc tế

“Thương mại toàn cầu hoạt động được vì tất cả các quốc gia đều sử dụng một ngôn ngữ chung,” giảng viên trường báo chí Columbia, bà Giannina Segnini chia sẻ trong chuỗi hội thảo. Một số ngôn ngữ thương mại rất hữu dụng và dễ tra cứu bao gồm: mã HS – mã hàng hoá toàn cầu, vận đơn hàng hải (Bill of Lading), mã container BIC và mã tàu IMO.

Với mã hàng hoá toàn cầu, phóng viên có thể tìm được dữ liệu xuất nhập khẩu được cập nhật thường xuyên tại Cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên Hợp Quốc, Cổng thông tin năng lượng châu Á Thái Bình Dương, hay Cổng dữ liệu hải quan Hàn Quốc. Theo bà Segnini, bất cứ sự chênh lệch bất thường nào trong lượng hàng xuất và nhập đều có thể là manh mối. Hàng hoá ở đây không nhất thiết phải là chính mặt hàng đó, mà có thể là nguyên liệu cần có để làm ra mặt hàng. Bà Segnini lấy một ví dụ về cocaine ở Colombia: “Bạn sẽ không tìm được mã HS cho cocaine, nhưng hoá ra để làm cocaine các bên chế xuất sẽ phải có một chất gọi là potassium permanganate. Dùng cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên hợp quốc, các bạn sẽ nhìn ra con số thế giới xuất và Columbia nhập potassium permanganate không hề trùng khớp.”

 Một vận đơn hàng hải sẽ cho chúng ta biết tất cả các thông tin về người mua, người nhận, cảng đi, cảng đến, mô tả hàng hoá và nhiều thông tin khác nữa. Bà Segnini đưa ra một số cổng thông tin hữu ích để tra cứu bao gồm ImportgeniusPanjiva  Enigma.io. Ngoài ra, từ mã BIC của container, phóng viên có thể tra được chủ container qua trang web BIC Code Register. Mỗi con tàu cũng có một mã IMO riêng, với mã tàu này, phóng viên có thể theo dõi từng bước đi của con tàu trực tuyến trên các trang web Equasis, the Global Integrated Shipping SystemMarineTrafficVessel Tracker, Ship Tracking hay Tokyo MOU – một trang web hữu ích khi tra cứu các tàu châu Á.

Ngoài ra, phóng viên còn có thể tìm manh mối trên mạng xã hội. Nhiều thuyền viên cập nhật các hoạt động trên tàu trên các mạng xã hội hàng hải như Crewtoo và MyShip. “Có rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhà báo điều tra có thể vận dụng để tìm manh mối,” bà Segnini chia sẻ. Tuy nhiên, giảng viên trường Columbia cũng lưu ý các phóng viên không nên quá lệ thuộc vào các dữ liệu này. “Bạn cần phải kiểm chứng các dữ liệu này, một số có thể không chính xác 100%.”

Để truy cập tất cả các nguồn cơ bản khi điều tra thương mại quốc tế, các phóng viên có thể tham khảo link tổng hợp sau đây.

Đừng chỉ tập trung vào phần cung

Bài báo đoạt giải Pulitzer 2016 của hãng AP. Ảnh: Chụp màn hình

Martha Mendoza, phóng viên của hãng thông tấn AP chia sẻ tại một buổi tập huấn khác rằng cô đã từng viết rất nhiều về lao động trẻ em trong ngành da giày ở Bangladesh mà không được dư luận quan tâm. Chỉ đến khi cô chứng minh được các sản phẩm này liên quan đến các hãng thời trang cao cấp như Michael Kors, Kate Spade và Coach, khi đó sức ép dư luận từ phương Tây mới buộc các hãng này đưa ra luật lệ chặt chẽ hơn. Tương tự, khi Mendoza điều tra về bạo lực với lao động bất hợp pháp trên các tàu cá ở Indonesia và chứng minh được nguồn hải sản đánh bắt được mua lại, phân phối và cuối cùng bày bán ở các chuỗi siêu thị như Walmart và Whole Foods, bài báo của cô mới giúp giải phóng hơn 2000 lao động nước ngoài đang bị giam lỏng tại Indonesia và mang lại cho hãng AP giải Pulitzer cho việc phụng sự công chúng vào năm 2016.

Bắt đầu với bên tiêu thụ trong một số trường hợp còn có thể đem lại nhiều manh mối hơn cho phóng viên so với việc chỉ tập trung vào phần cung. Khi điều tra về buôn lậu ngà voi, phóng viên Brian Christy của hãng National Geographic đã đến thẳng các cửa hiệu bày bán đồ thờ cúng làm từ ngà voi ở Philippines. “Đây là nơi ngà voi buôn lậu xuất hiện công khai trên thị trường,” Christy chia sẻ, “Tôi tìm đọc mọi thông tin về đồ thờ cúng có thể và từ đó tìm gặp các vị linh mục có sở thích sưu tập những thứ đồ này.” Qua những linh mục này, Christy dần dần tìm được các thợ thủ công chế biến ngà voi và các thủ thuật buôn lậu ngà voi tới Philippines.

Tháng 9/2014, Brian cũng dùng thủ thuật tương tự để đi truy tìm đường dây buôn lậu gỗ xuyên quốc gia từ Togo qua Việt Nam. Để lần theo dấu vết của hai tội phạm bị Interpol truy nã Vu Quang Thai và Dao Van Bien, Christy đã tới Việt Nam, đi theo sự dẫn dắt của các tiểu thương buôn gỗ và tìm ra công ty đứng sau hàng tấn ngà voi bị chính quyền Togo bắt giữ vào năm 2014.

Hãy chuyên nghiệp

Điều tra xuyên biên giới yêu cầu nỗ lực rất lớn từ cá nhân các phóng viên, chưa kể là một đầu tư về thời gian không hề nhỏ cho các toà soạn. Tuy nhiên theo ông Wahyu Dhyatmika, tổng biên tập tờ TEMPO Malaysia, có rất nhiều lợi ích có thể kể đến khi các toà soạn bắt tay với nhau.

“Về mặt tài chính, rõ ràng việc hợp tác sẽ kinh tế hơn. Bạn không cần phải cử một đội phóng viên tới nước còn lại, mà chưa chắc toà soạn đã duyệt kinh phí cho bạn. Hợp tác với một toà soạn khác, bạn sẽ có thêm một đội ngũ phóng viên hùng hậu, dĩ nhiên là nếu như ngược lại, bạn cũng sẵn sàng là cánh tay phải cho bên còn lại,” ông Wahyu chia sẻ với Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu GIJN.

      Hội nghị Báo chí Điều tra Châu Á 2018. Ảnh: MDI

Ông Wahyu cũng cho biết phóng sự Nô lệ trên biển của TEMPO và tờ The Reporter của Đài Loan nhận được sự chú ý gấp đôi từ dư luận hai nước. “Một tờ báo Đài Loan viết về lao động bất hợp pháp của Indonesia chưa chắc đã làm dư luận Indonesia quan tâm, nhưng vì chúng tôi cũng đăng bài trong nước, câu chuyện trở nên lớn hơn rất nhiều,” ông Wahyu nói với GIJN.

Ông Wahyu của TEMPO và bà Sherry Lee đại diện cho The Reporter đều cho rằng việc trao đổi thông tin là tối quan trọng. Kể cả khi điều tra gặp vấn đề, điều tối quan trọng là thông báo cho bên còn lại để cùng tìm ra giải pháp, ông Wahyu nhận định. “Nếu bạn không nói chuyện với nhau, cả dự án sẽ thành một mớ bòng bong. Bạn sẽ phân vân không biết bên kia làm đến đâu, có vấn đề gì không giải quyết được, vân vân và vân vân.” Hơn hết, cả hai bên cần tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra và luôn luôn ra quyết định cùng nhau. “Chúng tôi làm việc với nhau trên hai nguyên tắc cơ bản: chia sẻ mọi thứ và đăng bài cùng một lúc,” ông Wahyu chia sẻ.

Trang Bùi

Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) là thành viên duy nhất tại Việt Nam của Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu GIJN. Các phóng viên, toà soạn có nhu cầu tìm hiểu thêm về các nguồn dữ liệu cho nghiệp vụ điều tra xuyên biên giới; kết nối với các tổ chức báo chí, phóng viên nước ngoài có thể liên lạc với MDI để được hỗ trợ.

Hội nghị Báo chí Điều tra Thế giới 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 26-29 tháng 9 ở thành phố Hamburg, Đức. Các phóng viên có thể truy cập vào đường link sau để cập nhật những thông tin mới nhất về hội nghị.

Comments are closed.

Close Search Window