Báo chí điều tra, COVID-19|

Hình ảnh: Marcelle Louw

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa từng có từ trước tới nay. Nó đã khiến độc giả ở khắp mọi nơi luôn “sốt” tin tức về vắc-xin và tình hình lây lan của dịch bệnh. Nó cũng khiến nhiều phóng viên không chuyên về y tế phải học hỏi gấp rút để đưa tin để phục vụ nhu cầu thông tin này. Để hỗ trợ chuyên môn các nhà báo – chuyên và không chuyên – trong cuộc chạy đua vắc-xin hiện nay, MDI sẽ tổng hợp và lược dịch một số kiến thức nghiệp vụ do Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu (gọi tắt: GIJN) chia sẻ qua cuốn sổ tay Điều tra Sức khỏe và Y tếmột hội thảo trực tuyến của GIJN có tựa đề “Đằng sau cuộc chạy đua vắc-xin COVID-19” (12/2020).

I/ 10 lời khuyên hàng đầu từ các chuyên gia dành cho Báo chí điều tra về Y tế và Chăm sóc sức khỏe.

Để hỗ trợ chuyên môn các nhà báo, GIJN đã cho ra mắt một sổ tay hướng dẫn mới toàn diện bằng tiếng Anh về điều tra y tế và chăm sóc sức khỏe. Được chắp bút bởi Catherine Riva và Serena Tinari, những người sáng lập Re-Check.ch, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra và lập bản đồ về các vấn đề sức khỏe, sổ tay hướng dẫn cung cấp một khóa học cấp tốc cho các nhà báo để tìm hiểu về đại dịch COVID-19, vắc xin và phát triển thuốc, nghiên cứu y tế, ảnh hưởng và xung đột lợi ích nhóm.

Với việc ngày càng nhiều nhà báo đưa tin về hậu quả đối với hệ thống y tế quốc gia do đại dịch toàn cầu và hiệu quả của các loại thuốc cũng như vắc-xin mới, đây là một bộ công cụ cần thiết. Nếu bạn là một nhà báo về chăm sóc sức khỏe, việc đọc sổ tay này có thể là hai tiếng đồng hồ tốt nhất mà bạn đầu tư trong năm nay. Tải xuống bản PDF của hướng dẫn tại đây.

Như chính các tác giả của cuốn sách hướng dẫn đã nói: “Điều tra về chăm sóc sức khỏe rất phức tạp và đầy thách thức. Đưa tin về lĩnh vực này có nghĩa là đọc các tài liệu dài và làm quen với các thuật ngữ y khoa. Các con số và thống kê cũng là một phần của công việc. Mặc dù việc học hỏi có thể khó khăn, nhưng trong lĩnh vực báo chí điều tra chuyên biệt này, bạn sẽ không bao giờ hết tin bài.”

Dưới đây là 10 mẹo mà chúng tôi đã rút ra từ hướng dẫn để dùng làm phần giới thiệu:

1. Thận trong với việc đơn giản hóa quá mức vấn đề

Trong tình hình toàn cầu hiện nay, mọi thứ đều rất phức tạp và không có vấn đề nào là thực sự đơn giản.

Hãy đặc biệt thận trọng và luôn đề phòng khả năng thông tin bị các bàn tay ngành dược hoặc các chính phủ lũng đoạn, can thiệp, bóp méo. Hãy dành thời gian để đánh giá độc lập các bằng chứng, kiểm tra chéo thông tin, và lưu ý rằng xung đột lợi ích và những định hướng dư luận phức tạp thường rất phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. So sánh giữa các quốc gia có thể là một bài toán khó và hàm chứa nhiều bẫy tư duy do những khác biệt giữa các nước và các yếu tố gây nhiễu khác.

2. Hãy thận trọng với các mô hình giả định

Các mô hình COVID-19 ban đầu (dùng để phân tích, dự báo) được phát triển khi chúng ta có rất ít dữ liệu trong tay. Hơn nữa, dịch bệnh thường diễn ra phi tuyến tính, khá hỗn loạn và khó lường, khiến cho bất kỳ mô hình nào cũng khó có thể dự đoán chính xác được điều gì sẽ xảy ra.

3. Bám sát bằng chứng khoa học tốt nhất hiện có

Cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu đang tạo ra một khối lượng nghiên cứu khổng lồ, được công bố với tốc độ chóng mặt. Hầu hết các nghiên cứu này không trải qua quy trình bình xét chuẩn mực. Hiện tại, giới nghiên cứu y khoa đang còn nhiều nhiễu loạn và điều này có thể gây khó khăn cho các nhà báo không chuyên về lĩnh vực này. Khi xem xét một nghiên cứu y khoa, tiêu chuẩn vàng là trong đó có một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Mặc dù những thử nghiệm này không phải lúc nào cũng có sẵn, nhưng các nhà báo hãy chú ý đến những hạn chế của các hình thức nghiên cứu khác.

Hình ảnh: Marcelle Louw

4. Cung cấp bối cảnh

Hãy nhớ rằng bất kỳ con số nào cũng chỉ có ý nghĩa nếu được đặt trong đúng bối cảnh của nó. Ví dụ: trước khi cho rằng một chỉ số hoặc cách thống kê COVID-19 nào đó có bất thường hoặc lạ thường, bạn hãy tìm hiểu chắc chắn xem chỉ số bình thường sẽ như thế nào trong bối cảnh một virus lây lan, hậu quả tiềm ẩn của nó đối với sức khỏe của bệnh nhân hoặc cách một triệu chứng nhất định được chữa trị trong môi trường bệnh viện bất kỳ. Cung cấp đầy đủ bối cảnh là cách duy nhất để chúng ta xác định xem một hiện tượng là phổ biến trong ý khoa hay chưa từng xuất hiện trước đây.

5. Tận dụng hiểu biết của nhiều người ở nhiều lĩnh vực, nhưng hãy sử dụng thông tin của họ một cách khôn ngoan

Có rất nhiều nguồn tin tiềm năng mà bạn có thể khai thác khi làm về mảng chăm sóc sức khỏe: nhà cung cấp dịch vụ y tế, cơ quan quản lý, nghiên cứu thử nghiệm, nhóm bệnh nhân, chuyên gia trong ngành dược phẩm, v.v. Hãy nói chuyện với các chuyên gia khác nhau: Ví dụ: bạn nên thảo luận về COVID-19 với các chuyên gia dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và các nhà dịch tễ học về an toàn vắc-xin, vì họ có chuyên môn đặc biệt trong việc lây lan và quản lý các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng toàn cầu.

Nhưng có một lời cảnh báo: Chúng ta có xu hướng tin tưởng vào “các chuyên gia”. Bản lý lịch của họ càng dài, chúng ta càng tin tưởng các tuyên bố của họ. Nhưng trong nhiều trường hợp, chính những lãnh đạo hoặc chuyên gia mà các nhà báo tin tưởng tuyệt đối cũng làm chuyên gia tư vấn cho ngành, chính phủ và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới. Vì vậy hãy cân nhắc các xung đột lợi ích của họ và mức độ độc lập của ý kiến họ đưa ra.

6. Đừng chạy theo các “cơn sốt”

Sai lầm phổ biến nhất của các phóng viên là đưa ra kết luận sai từ các bằng chứng khoa học chưa đủ thuyết phục. Và đừng quên rằng các thông điệp của chính phủ và giới truyền thông vốn thường “lên gân” để gây cảm xúc mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng này. Vì vậy các nhà báo điều tra nên cố gắng giữ một cái đầu lạnh.

Đồng thời, hãy lưu ý nguy cơ các thông tin về y tế, sức khoẻ được đưa ra có thể có sai sót, thiếu bằng chứng và thường dựa thuần vào các thông cáo báo chí của một bên. Các nhà báo hãy đảm bảo đánh giá độc lập các khẳng định mà các tuyên bố nghiên cứu đưa ra.

7. Hiểu về các thử nghiệm lâm sàng, các giai đoạn khác nhau và ý nghĩa của các kết quả

Các phóng viên phải hiểu được các cấp độ thử nghiệm lâm sàng khác nhau có thể – và không thể – cho chúng ta biết những gì. Hãy cẩn thận với thông tin dữ liệu khoa học đưa ra từ các thông cáo báo chí thay vì qua các bài báo trên tạp chí học thuật. Hãy giúp độc giả/khán giả hiểu rõ những gì chúng ta đã biết và còn chưa biết về vắc-xin. Khi tìm kiếm cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, hãy xem kỹ thiết kế nghiên cứu (study design), số lượng người tham gia thử nghiệm, căn cứ của nghiên cứu, và kết quả đã được công bố rộng rãi hay chưa. Hãy nhớ đến phát biểu này của Gary Schwitzer, được viết trong hướng dẫn cơ bản về Nghiên cứu Y khoa của ông: “Không phải tất cả các nghiên cứu đều ngang bằng nhau. Và chúng ta không nên đưa tin như thể chúng ngang bằng nhau như vậy.”

Hình ảnh: Marcelle Louw

8. Hãy cẩn thận với tư duy đề tài luôn có “kẻ xấu” trong mọi câu chuyện

Nếu bạn áp đặt tư duy thông thường rằng luôn có “kẻ xấu” trong mọi câu chuyện khi triển khai đề tài ở lĩnh vực y khoa, dịch tế này, bạn có nguy cơ đọc sai – và do đó diễn giải sai – thực tế. Đây là cách tiếp cận đề tài đơn giản hoá quá mức mọi thứ. Khi thực sự đào sâu hơn, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều bên có vai trò và lập trường không rõ ràng như bạn nghĩ, ví dụ những cá nhân hay tổ chức tỏ ra đứng về phía bệnh nhân cũng có thể có các động cơ khác của riêng họ, và thường rất phức tạp.

9. Không phải cứ là những cá nhân, tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn là đáng tin cậy

Trong đại dịch, ngành công nghiệp dược phẩm đang có quyền lực và mức ảnh hưởng ngày càng lan rộng, và thực tế hoạt động tiếp thị y tế cũng đang phát triển tăng vọt.

Các nhà báo cần phải đặt câu hỏi về mức độ hữu ích thực sự của thuốc men và những tác dụng phụ có thể có của các loại thuốc. Hãy đặt câu hỏi về mọi thứ, kể cả bằng chứng được công bố trên các tạp chí y khoa.

Các tạp chí y khoa cũng có mô hình kinh doanh của họ, đồng nghĩa với việc nội dung trong đó có thể bị ảnh hưởng bởi quảng cáo, và có một số tạp chí dựa vào các bài “in lại” (“reprints”), là những bản in hàng loạt của các bài nghiên cứu đã xuất bản do các công ty trong ngành công nghiệp dược phẩm bỏ tiền tài trợ và sử dụng vì mục đích tiếp thị.

10.  Hãy lùng tìm các dấu hiệu đáng ngờ

Hãy xem kỹ tất cả các chi tiết về quy trình phê duyệt của một loại thuốc hay vắc-xin cụ thể. Đánh giá xem các tiêu chuẩn đã được đáp ứng chưa, hay liệu nhà tài trợ có được bất kỳ sự nhượng bộ nào – ví dụ, các cơ quan quản lý có thể đã cho phép công ty nghiên cứu viết sai lệch hiệu quả của thuốc, không dựa vào hiệu quả thực chất trong giải quyết vấn đề của nó, mà lại dựa trên những kết quả từ những “đánh giá gợi ý” (“surrogate endpoint”) hay “tiêu chí gợi ý” (“surrogate outcome”).

Hãy xem xét các tác dụng phụ và đặt câu hỏi về quy trình phê duyệt. Trong sổ tay hướng dẫn này có nêu một ví dụ thực tế về trường hợp một nhà khoa học đã xin cấp phép thành công cho việc dán nhãn các quả cam là một sản phẩm lưới âm đạo, chứng tỏ không phải quy trình cấp phép nào cũng đáng tin cậy.

II/ Những điều nhà báo cần biết khi đặt câu hỏi cho các công ty dược phẩm

Lược dịch từ Hội thảo “Đằng sau cuộc chạy đua vắc-xin COVID-19”. Hội thảo có sự tham gia của  phóng viên điều tra sức khỏe Serena Tinari, nhà đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận giám sát sức khỏe Re-Check.ch, cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Peter Doshi, giáo sư nghiên cứu Dịch vụ Y tế Dược phẩm tại Trường Đại học Dược Maryland, và là chuyên gia trong quá trình phê duyệt thuốc.

Hội thảo “Đằng sau cuộc chạy đua vắc-xin COVID-19”

Mọi người trên toàn thế giới tin rằng một số loại vắc-xin COVID-19 đầy hứa hẹn được nghiên cứu và sản xuất để thực hiện hai điều: làm thuyên giảm các bệnh nguy hiểm, giảm tỷ lệ tử vong, và giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là hiện nay không có thử nghiệm vắc-xin mới nào được nghiên cứu và sản xuất để đạt được một trong hai mục tiêu trên – mà chỉ đơn thuần là để chứng minh rằng các vắc-xin này có thể làm giảm các ca bệnh có triệu chứng của COVID-19, dù cho chúng nghiêm trọng như thế nào.

Và phóng viên điều tra sức khỏe Serena Tinari nói rằng có một vấn đề là nhiều phóng viên không biết mục đích của các thử nghiệm đó là gì, chẳng hạn như những mục tiêu mà Pfizer và BioNTech, ModernaAstraZeneca đang tìm cách đạt được, và các phương tiện truyền thông lại đưa tin về các kết quả nghiên cứu tạm thời trong Giai đoạn 3 mà các công ty dược phẩm này tuyên bố, nhưng họ thường không đặt câu hỏi về hiệu quả của vắc-xin đối với hai mục tiêu quan trọng đó.

Lý giải cho điều này, bà Tinari nói, thực tế là đại dịch đã buộc các nhà báo trên toàn cầu trở thành phóng viên y tế gần như chỉ trong một đêm; bên cạnh đó mô hình “theo dõi nhanh” đã thúc đẩy sự phát triển dược phẩm nhanh hơn nhiều lần so với bình thường; và trên hết, không có dữ liệu thử nghiệm nào được công khai.

Doshi cũng là biên tập viên cộng tác của tạp chí y khoa BMJ, nơi gần đây ông đã đặt ra mối quan ngại về các quy trình thử nghiệm trong một bài báo có tựa đề Liệu vắc-xin COVID-19 có cứu sống được mọi người không? Các thử nghiệm hiện tại không thể cho chúng ta biết.

“Có những lý do để lo ngại – trong khoảng thời gian chưa có tiền lệ này, tôi nghĩ chúng ta nên yêu cầu không gì khác ngoài quyền truy cập công khai vào tất cả dữ liệu,” Doshi nói, lặp lại lời ông kêu gọi cần có sự minh bạch trong một bài đăng trên blog BMJ. “Những thử nghiệm này được phát triển để làm thuyên giảm các triệu chứng của COVID dù cho chúng nghiêm trọng thế nào; chúng ta không thể tìm được bằng chứng xác thực từ các thử nghiệm này về việc liệu chúng có làm giảm nguy cơ mắc COVID nghiêm trọng, giảm tỷ lệ nhập viện, sử dụng liệu pháp chăm sóc đặc biệt hay tử vong hay không”.

Doshi nói rằng các công ty không làm gì sai khi theo đuổi cùng một mục tiêu tầm thường. Thay vào đó, ông nói rằng cơ quan quản lý Hoa Kỳ, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm, đã cung cấp cho các nhà sản xuất hai tiêu chuẩn để lựa chọn vào tháng 6 năm 2020 – giảm 50% triệu chứng của COVID và được phòng thí nghiệm xác nhận hoặc giảm 50% sự lây nhiễm của vius corona – “và tất cả các công ty đều chọn phương án đầu tiên.”

Nhưng biện pháp bảo vệ bệnh nhẹ sẽ không thể bảo vệ được cơ thể khỏi các biến thể nghiêm trọng hơn của bệnh?

Không nhất thiết phải như vậy, Doshi nói.

“Bạn có thể nghĩ, ‘Việc này thì có quan trọng gì chứ? – nếu bạn có thể ngăn chặn bệnh nhẹ, thì chắc chắn bạn cũng sẽ ngăn ngừa được bệnh nặng, “bởi vì đầu tiên bạn bị nhiễm bệnh và sau đó bạn có các triệu chứng rồi các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn,” ông nói. “Nhưng mặc dù điều đó đúng với một cá nhân, nhưng đó lại không đúng với nhiều người, như trong một thử nghiệm. Nhìn chung bạn có thể giảm được các trường hợp bị bệnh nhẹ, nhưng không giảm số lần nhập viện, sử dụng liệu pháp chăm sóc đặc biệt hoặc tỷ lệ tử vong.”

Tình huống giả định

60% hiệu quả tổng thể, nhưng chỉ 7% ở người già và 0% đối với tỷ lệ nhập viện, tử vong

Vắc-xinGiả dược
15.000 người thử nghiệm
12.000 người ít có nguy cơ;
3000 người già
15. 000 người thử nghiệm
12.000 người ít có nguy cơ;
3.000 người già người thử nghiệm
60 ca mắc Covid-19
32 người ít có nguy cơ + 28 người già
– 3 ca nhập viện
– 1 ca tử vong
150 ca mắc Covid-19
120 người ít có nguy cơ + 30 người già
– 3 ca nhập viện
– 1 ca tử vong

Để minh họa cách ngăn ngừa bệnh nhẹ không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được các biến thể nặng hơn của nó, Tiến sỹ Peter Doshi đưa ra thử nghiệm vắc-xin giả định này – cho thấy hiệu quả giảm 60% trong việc hạn chế ca mắc nói chung, nhưng không có sự khác biệt về số ca bệnh nặng hoặc tử vong. Hình ảnh: Tiến sĩ Peter Doshi giải thích

Tinari và Doshi đồng ý rằng có một tin tốt về quy trình phê duyệt trước vắc-xin là hầu hết các công ty đã công bố các đề cương nghiên cứu của họ – điều bất thường ở giai đoạn 3 – và các phóng viên có thể sử dụng những điều này để đặt câu hỏi xác đáng về kết quả nghiên cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Peter Doshi, giáo sư nghiên cứu Dịch vụ Y tế Dược phẩm tại Trường Đại học Dược Maryland, và là chuyên gia trong quá trình phê duyệt thuốc cho biết vẫn còn những vấn đề then chốt mà ông chưa biết về các loại vắc-xin được đề cử khác nhau bao gồm:

  • Liệu chúng có thể làm giảm nguy cơ nhập viện hay sử dụng liệu pháp chăm sóc đặc biệt và cụ thể là giảm bao nhiêu;
  • Liệu chúng có làm giảm nguy cơ lây truyền hay không và giảm bao nhiêu;
  • Chúng bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất, như nhóm người cao tuổi như thế nào;
  • Chúng có tác dụng tốt như thế nào ở trẻ em và thanh thiếu niên;
  • Chúng có tác dụng tốt như thế nào ở những người bị suy giảm miễn dịch;
  • Chúng sẽ có hiệu quả như thế nào sau 3, 6, hay 12 tháng – do với các loại vắc-xin khác như vắc-xin cúm, tác dụng miễn dịch có thể giảm theo thời gian.

Doshi cảnh báo rằng đối với những vắc-xin được phê duyệt sớm, một số câu hỏi về mức độ hiệu quả lâm sàng có thể sẽ không bao giờ trả lời được, chẳng hạn như khả năng cứu mạng của vắc-xin. Ví dụ, ông nói rằng các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát – những thử nghiệm cung cấp dữ liệu chính xác nhất về hiệu quả – có thể sẽ không được công bố sau khi vắc-xin được phê duyệt vì các lý do đạo đức.

Khi được hỏi về việc các phóng viên không chuyên về y tế phải học hỏi gấp rút để đưa tin về cuộc chạy đua vắc-xin, Tinari cho biết các mẹo và hướng dẫn chi tiết để đưa tin về y tế, cũng như khoảng 500 liên kết, đã có mặt trên hướng dẫn mà GIJN mới phát hành, cuốn sổ tay Điều tra Sức khỏe và Y tế, mà Tinari là đồng tác giả với nhà báo điều tra Catherine Riva.

Tinari cho biết sẽ có nhiều lĩnh vực để các phóng viên điều tra tác nghiệp trong quá trình triển khai sắp tới – bao gồm xung đột lợi ích, uy tín của các cố vấn chính phủ và trách nhiệm giải trình – nhưng “vấn đề lớn nhất hiện nay là quyền truy cập mở vào tất cả dữ liệu”.

“Chúng ta cần những chuyên gia như Peter Doshi để có thể phân tích tất cả các bằng chứng – chúng tôi không thể chỉ dựa vào một thông cáo báo chí,” cô nói. “Và thật không may, mặc dù các cơ quan quản lý về cơ bản đã cố gắng làm những gì họ có thể, đây cũng là một môi trường rất không lành mạnh hiện nay, bởi vì các cơ quan quản lý và chính phủ đang chịu rất nhiều áp lực và điều đó rất nguy hiểm.”

Comments are closed.

Close Search Window