Nghiệp vụ báo chí|

Trẻ em là một đối tượng đặc biệt, đòi hỏi các nhà báo tác nghiệp với lòng trắc ẩn và tinh thần chuyên nghiệp. Xin phép phụ huynh, giữ tư thế phỏng vấn ngang tầm mắt, giọng điệu không phán xét hay xem thường, hoặc chỉ nên phỏng vấn trong khoảng thời gian nhất định tuỳ độ tuổi là những lưu ý quan trọng mà các nhà báo nên “nằm lòng” để cuộc phỏng vấn với các em diễn ra suôn sẻ và không gây tổn thương.

Dưới đây là các nguyên tắc và bí quyết phỏng vấn trẻ em MDI tổng hợp và dịch từ các nguồn đáng tin cậy của Dart Center và Columbia Journalism Review để các nhà báo Việt Nam tham khảo.

Nguyên tắc phỏng vấn chung

  • Xin phép cha mẹ hoặc người giám hộ khi phỏng vấn hoặc chụp ảnh một đứa trẻ, đảm bảo họ nắm được đầy đủ tình hình trước khi đồng ý. Có nghĩa nhà báo cần giải thích cho người lớn và trẻ em lý do tại sao bạn muốn nói chuyện với họ và nội dung cuộc phỏng vấn sẽ được sử dụng như thế nào. 
  • Cùng thống nhất với nhau những quy tắc cơ bản cho cuộc phỏng vấn. Hãy trình bày rõ ràng các quy tắc cơ bản về việc trả lời chính thức, được ghi lại (on the record) và không chính thức (off the record)
  • Đảm bảo rằng cha mẹ hoặc người lớn có trách nhiệm khác có mặt khi bạn tương tác với trẻ. Nếu không được, hãy xin sự đồng ý của người lớn trước khi xuất bản hoặc phát sóng cuộc phỏng vấn.
  • Giới thiệu rõ rằng bạn là nhà báo đưa tin. Chú ý đừng vờ đóng vai một người bạn mà không thông báo cho nhân vật biết mình làm báo. Đừng đưa ra những lời hứa giúp đỡ mà bạn không thể làm được.
  • Tìm một nơi yên tĩnh cho cuộc phỏng vấn và cố gắng giúp trẻ cảm thấy thoải mái. Dùng giọng điệu chân thành. Đừng lên giọng, nói chuyện theo hướng hạ thấp hay xem thường trẻ.
  • Khi cuộc phỏng vấn hoàn tất, hãy thông báo rõ với người lớn có trách nhiệm (phụ huynh, người giám hộ,…) với các em về những trích dẫn mà bạn nghĩ sẽ sử dụng cho bài. 

Ngoài ra, các nhà báo có thể tham khảo còn có một số lưu ý những điều nên và không nên của Columbia Journalism Review được tóm tắt dưới đây:

  • Không được gây tổn thương: Trước khi phỏng vấn bất kỳ đứa trẻ nào về bất kỳ chủ đề nào, trước tiên bạn phải luôn nhớ rằng đây là trẻ em. Bạn phải tránh khiến trẻ tái chấn thương bằng mọi giá. Giọng điệu của bạn, loại câu hỏi bạn hỏi và thậm chí cả tư thế của bạn (chẳng hạn như không nên cúi xuống nói chuyện với trẻ em, thay vào đó hãy quỳ xuống trước mặt các em) có thể có tác động đến trẻ em. Không thẩm vấn và tránh dùng biệt ngữ, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi. Đừng “nhét chữ vào miệng nhân vật” và đặc biệt chú ý không hỏi những câu hỏi dẫn dắt, đứa trẻ có thể cảm thấy bị ép buộc phải nói cho bạn biết những gì các em nghĩ bạn muốn nghe.Ví dụ thay vì hỏi một đứa trẻ có nghe thấy tiếng đạn bắn hay không, hãy hỏi các em đã nghe thấy gì. Hoặc, khá đơn giản, hãy hỏi điều gì đã xảy ra và để các em dẫn dắt cuộc trò chuyện từ đó. Đừng thách thức sự thật, thông tin mà đứa trẻ kể lại ngay tại cuộc phỏng vấn, cách này chỉ có thể làm với người lớn — hãy chứng thực các chi tiết sau.
  • Luôn xin phép. Và luôn nhớ rằng nhiều đứa trẻ chưa bao giờ tiếp xúc với nhà báo trước đây, và có thể không hiểu hậu quả của lời nói của các em khi thành tư liệu công khai. Ngay cả sau khi bạn được cha mẹ cho phép, đừng quên bước cơ bản là xin phép chính trẻ em, bất kể ở độ tuổi nào, cho bạn được phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn, hãy linh hoạt và nhắc trẻ liệu có điều gì các em muốn nói với bạn nhưng không muốn bạn đưa vào bài báo hay không, và nếu có thì cũng không sao cả.
  • Cẩn thận khi tiếp cận với trẻ qua mạng xã hội. Phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể cho phép các phóng viên dễ dàng tiếp cận trẻ em. Dù nhiều trẻ có thể tin rằng các em rành về công nghệ và môi trường mạng Internet, đừng mặc định rằng mọi đứa trẻ đều hiểu bản chất việc công khai hành vi trực tuyến của mình. Bạn cần đảm bảo giải thích cho trẻ hậu quả của việc các em đồng ý phỏng vấn với bạn qua mạng, cũng như cách bạn phỏng vấn trực tiếp. Chỉ vì dễ dàng gửi tin nhắn cho một thanh thiếu niên qua Facebook không có nghĩa là bạn không cần quan tâm đến việc tiếp cận các em với lòng trắc ẩn và sự chuyên nghiệp. Trong hoàn cảnh các em có thể gặp nguy hiểm ngay lập tức, trước tiên hãy hỏi về sự an toàn tinh thẩn và thể chất của các em — và xem xét liệu có phù hợp khi đòi hỏi phỏng vấn trẻ em qua mạng khi các em có thể đối mặt với thương tích thật ngoài đời.

Mẹo cần biết khi phỏng vấn trẻ em của nhà báo Washington Post

Tác giả John Woodrow Cox, nhà báo đã viết một loạt bài đáng gây chấn động cho tờ Washington Post (Mỹ) về trẻ em và bạo lực súng, đã giành được Giải Dart Award for Excellence in Coverage of Trauma và lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Pulitzer.

Tại đây, anh chia sẻ một số điều anh đã học được về việc phỏng vấn trẻ em:


Hãy là con người trước tiên, rồi mới là nhà báo.  

Các phóng viên thường gặp mọi người trong hoặc ngay sau khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc đời họ, vì vậy hãy bắt đầu bằng cách nói với cả trẻ em và gia đình của họ rằng bạn chia buồn hoặc rất tiếc vì những gì họ đang trải qua. Bạn có mặt ở đó vì bạn quan tâm và họ cần hiểu điều đó.

Tiếp theo, hãy rõ ràng về những gì bạn phải làm. Nếu có thể, hãy gửi cho cha mẹ những đường dẫn liên kết những bài báo trước đó của bạn để họ hiểu về cách tiếp cận của bạn, và luôn giải thích cho bọn trẻ – dù còn nhỏ – bạn là ai. Nếu các em không hiểu phóng viên làm gì, hãy lấy điện thoại của bạn ra và cho các xem trang web của tổ chức tin tức của bạn hoặc một tờ báo của toà soạn bạn làm việc. Giải thích với các em công việc của bạn bằng những thuật ngữ đơn giản: “Cô/Chú là một phóng viên và cô/chú thường hay nói chuyện với mọi người về những gì họ đã trải qua để cô/chú có thể kể câu chuyện của họ. Cô/Chú ở đây để nói chuyện với cháu về những gì cháu đã trải qua. Như vậy có được không? ”


Chuẩn bị, tìm hiểu trước càng nhiều càng tốt.  

Trước khi hỏi một đứa trẻ những câu hỏi nhạy cảm, hãy nói chuyện với cha mẹ, anh chị em, giáo viên, nhà trị liệu, người cố vấn và bất kỳ ai khác có thể hiểu rõ tâm lý của trẻ. Ngoài ra, hãy xin phép (cả phụ huynh và trẻ em) để xem những gì họ đã viết, dù là trong sổ tay của trường hay nhật ký cá nhân hay trong tin nhắn với bạn bè. Chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng trước phỏng vấn sẽ cho phép bạn xây dựng lại những khoảnh khắc bạn có thể đã bỏ lỡ, giúp bạn tìm ra những câu hỏi tốt cho cuộc phỏng vấn và quan trọng nhất là giúp bạn hiểu được các yếu tố có thể gây kích động ở trẻ – như các chủ đề hoặc từ ngữ bạn nên tránh.
 

Tìm hiểu những câu hỏi mà đứa trẻ thường hỏi trước đó. 

Nếu bạn chỉ hỏi trẻ xem các em cảm thấy như thế nào, thì khó có thể dẫn đến bất cứ thông tin gì ngoài câu trả lời có thể đoán trước, hoặc nhát gừng, cụt lủn. Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất để hiểu tâm trí của một đứa trẻ – và cụ thể là điều gì khiến em lo lắng – chính là tìm hiểu xem em thường hay hỏi gì với những người lớn xung quanh. Ví dụ, vào năm 2017, tôi đã viết về một học sinh lớp hai tên là Tyshaun, mặc dù em không nói nhiều về cảm xúc của mình, nhưng Tyshaun đã hỏi những câu hỏi bộc lộ tâm tư của em, giúp tôi hiểu rõ hơn về vụ bố em bị bắn chết ảnh hưởng đến em như thế nào. Ở nhà, Tyshaun liên tục hỏi mẹ về việc khi nào kẻ xả súng sẽ bị bắt hay đã bị bắt chưa, vì em sợ kẻ đó sẽ tìm đến mình. Và ở trường, Tyshaun đã hỏi một nhân viên xã hội về sự khác biệt giữa thiên đường và địa ngục, bởi vì em muốn đảm bảo rằng bố mình đã đến đúng nơi. Hai câu hỏi đó cho người đọc biết nhiều về những gì Tyshaun đang nghĩ hơn cả những câu trả lời của em trong một cuộc phỏng vấn.
 

Khi có thể, hãy hoà mình.

Quan sát trẻ em trong môi trường tự nhiên của các em thường hiệu quả hơn ngồi ngay ngắn phỏng vấn. Nếu bạn có thời gian và khả năng tiếp cận, hãy chơi với các em ở nhà, ở trường, bất cứ nơi nào có thể. Bạn sẽ học được những điều mà bạn không bao giờ có được khi chỉ đặt câu hỏi, và bạn sẽ cho trẻ cơ hội làm quen với bạn, điều này cần thiết để xây dựng lòng tin.

Minh họa rõ nhất về sức mạnh của phương pháp này chính là câu chuyện mà đồng nghiệp Eli Saslow của tôi đã viết vào năm 2015 về một cô gái 16 tuổi bị thương trong một vụ xả súng hàng loạt. Thay vì yêu cầu cô bé nói cho phóng viên biết những gì cô đã phải chịu đựng, Eli chờ đợi nó xuất hiện một cách tự nhiên. Thành quả đem lại thực sự phi thường.
 

Ảnh minh hoạ: Pexels

Khi phỏng vấn, hãy làm cho các em thoải mái.

Khi bạn cần thực hiện một cuộc phỏng vấn chính thức hơn, hãy hỏi trẻ địa điểm nào mà các em cảm thấy thoải mái nhất. Những đứa trẻ gần như luôn muốn nói chuyện trong phòng của mình. (Hãy mời ít nhất một phụ huynh đi cùng và có mặt ở đó với bạn. Hãy nói rõ rằng họ có thể can thiệp bất cứ lúc nào nếu họ cảm thấy rằng con họ cần được nghỉ ngơi.)

Mục tiêu ban đầu chỉ là để trẻ nói chuyện, và trẻ thường thích khoe những đồ vật yêu thích của mình, vì vậy hãy hỏi về món đồ chơi, sách, trò chơi yêu thích của các em. Điều này có thể không phải lúc nào cũng làm được, nhưng khi tôi cảm thấy trẻ đủ thoải mái để trả lời những câu hỏi khó hơn, tôi cố gắng đảm bảo rằng tầm mắt của các em bằng hoặc cao hơn tầm mắt của tôi. Đối với tôi, điều đó thường có nghĩa là ngồi xuống sàn nhà. Tôi không bao giờ muốn ra vẻ hay ám chỉ rằng tôi là một nhân vật có quyền lực ở đây, bởi vì tôi không phải vậy. Điều quan trọng là các em cảm thấy tự tin và có quyền kiểm soát, và nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo các em cảm thấy như vậy.

Bắt đầu với những câu hỏi đơn giản thường liên quan đến chủ đề. Ví dụ, nếu bạn đang nói chuyện với một cô bé sống sót sau một vụ xả súng ở trường học, hãy cân nhắc hỏi cô bé về giáo viên và môn học yêu thích của em. Khi bạn dễ dàng đi sâu vào các chủ đề nhạy cảm hơn, hãy hỏi những câu hỏi chung, kết thúc mở. Hãy nhờ cô bé tả cho bạn diễn biến ngày hôm đó theo trình tự thời gian, bắt đầu bằng việc cô bé ăn gì vào bữa sáng, mặc quần áo gì, hay đã nói gì với cha mẹ trước khi đến trường. Khi cô bé tỏ ra lơ đễnh, và điều này chắc chắn sẽ xảy ra, hãy nhẹ nhàng đưa cuộc trò chuyện trở về chủ đề. Nếu bạn đã có chuẩn bị kỹ càng trước đó, bạn sẽ biết những khoảnh khắc và ký ức nào đáng lưu ý để hỏi kỹ.

Cuối cùng, cần phải nhớ rằng, nếu một đứa trẻ không muốn nói chuyện với bạn, thì đừng ép. Cuộc phỏng vấn kết thúc khi các em muốn. Bạn vẫn có thể thử lại vào lần khác, với sự hỗ trợ của cha mẹ, nhưng đừng bao giờ ép buộc các em trò chuyện.
 

Đảm bảo tinh thn các em ở trạng thái tốt trước khi rời đi.

Tại một cuộc thảo luận bàn tròn về Dart 2018 , nhà báo Lizzie Presser đã chia sẻ một số lời khuyên tuyệt vời mà một chuyên gia sức khỏe tâm thần đã dành cho cô. Tóm lại, Presser nói rằng khi chúng ta kéo nhân vật đến vùng ký ức tối tăm trong một cuộc phỏng vấn, chúng ta nên đưa họ ra khỏi nơi đó trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Đối với một đứa trẻ, điều đó có nghĩa là trở lại với điều gì đó nhẹ nhàng và tích cực – đồ chơi, bạn bè, chương trình TV yêu thích của em – sau khi phần phỏng vấn về những chi tiết khó khăn kết thúc.
 

Xác minh những gì các em đã nói với bạn.

Cũng giống như người lớn, trẻ em có thể nhầm lẫn và ký ức của các em có thể không chính xác hoàn toàn. Bạn cần phải xác nhận một cách độc lập những gì các em đã nói với bạn là đúng và chính xác.
 

Đừng đánh giá thấp trẻ em.

Trong hơn chục năm làm phóng viên, tôi thường nghe được những điều sâu sắc từ trẻ em nhiều hơn nhiều so với từ người lớn. Trẻ em để ý và quan sát hơn chúng ta tưởng. Các em suy nghĩ rất nhiều và thông thường, các em chia sẻ chúng mà không nhận thức được từ ngữ của các em đặt trong toàn cảnh sẽ có sức mạnh thế nào. Những điều đó có thể khiến chúng ta cảm thấy mới mẻ và đôi khi, chân thực đến tàn nhẫn.

Chưa hết, các nhà báo vẫn thường dựa vào cha mẹ, giáo viên và nhân viên cảnh sát để phát biểu thay mặt cho những đứa trẻ từng trải qua chấn thương, khiến các em như những nhân vật một chiều. Không dễ dàng để chúng ta có thể kể lại những câu chuyện dưới con mắt của những đứa trẻ bị tổn thương, hoặc bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng đó là điều rất đáng giá. Có hàng triệu người ngoài kia, và nhiệm vụ của chúng ta là để cho họ lên tiếng.

Phỏng vấn trẻ em bị tổn thương

Bài tổng hợp của Trung tâm Dart.

Trẻ em vốn dĩ rất dễ bị tổn thương. Khi các em bị cuốn vào những sự kiện đau thương – như khủng bố, bạo lực, thiên tai, tội phạm, bệnh nặng – chính cách cư xử và tiếp cận đúng đắn của người lớn là yếu tố bảo vệ các em không bị tổn thương thêm. Khi tác nghiệp hàng ngày, các phóng viên, phóng viên hình ảnh, biên tập viên và nhà sản xuất cần ghi nhớ trách nhiệm của mình là phải đưa tin chính xác với lòng trắc ẩn, tránh để trẻ em phải chịu thêm tổn thương của việc đưa tin thiếu tế nhị hoặc thậm chí theo hướng lợi dụng, bóc lột trẻ. 

Dưới đây là một số phương pháp tác nghiệp khi nỗi đau của trẻ em trở thành tin tức:

Tại hiện trường vụ án hoặc thảm họa

  • Tránh phỏng vấn trẻ em ngay tại hiện trường. Rất có thể các em đang bị sốc và cần được an ủi, không phải chất vấn. 
  • Nếu buộc phải phỏng vấn tại hiện trường, hãy tìm một nơi yên tĩnh để nói chuyện, tách khỏi bối cảnh hỗn loạn có nhân viên cấp cứu và các nạn nhân khác.
  • Tránh xuất bản ảnh trẻ em mà không có sự cho phép trước của người lớn có trách nhiệm. Bức ảnh chụp một đứa trẻ bị thương có thể tạo ấn tượng mạnh và gợi cảm xúc với độc giả, nhưng cũng có thể gây tổn thương và xấu hổ cho nạn nhân.
  • Đặt câu hỏi mở như “Rồi sau đó thì sao?”. Tránh những câu hỏi tự trả lời, dẫn dắt nhân vật, như “Cháu có sợ hãi không?”
  • Con người khi bị tổn thương thường đưa ra quyết định kém. Hãy sẵn sàng cho khả năng người lớn hoặc trẻ em thay đổi ý kiến ​​của họ sau khi cuộc phỏng vấn hoàn tất. Nếu trường hợp này xảy ra, hãy bỏ chất liệu phỏng vấn đó.
  • Sẵn sàng đợi cho đến khi cha mẹ và con cái sẵn sàng nói chuyện, ngay cả khi đó là vài tuần hoặc vài tháng sau cuộc khủng hoảng. Bạn có thể sẽ nhận được một cuộc phỏng vấn tốt hơn nhiều.

Cho trẻ quyền kiểm soát càng nhiều càng tốt cuộc phỏng vấn

  • Nhấn mạnh rằng các em có quyền chọn không trả lời câu hỏi hoặc yêu cầu bạn không sử dụng thông tin nhạy cảm mà các em đưa ra nếu các em không muốn.
  • Giữ sổ ghi chép hoặc thiết bị ghi âm của bạn trong tầm nhìn để đối tượng phỏng vấn có thể biết cách ghi chép lời nói của họ.
  • Lưu ý rằng trẻ có thể nói những gì các em nghĩ bạn muốn nghe hơn là thành thật.
  • Đặt câu hỏi mở như đã nêu ở trên. 

Phỏng vấn trẻ em về tổn thương trước đây

  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự việc trước khi tiến hành phỏng vấn. Có thể bằng cách nói chuyện với phụ huynh, tư vấn, giáo viên và chuyên gia y tế. Lấy các tài liệu như báo cáo của cảnh sát và hồ sơ tòa án để hình dung về vụ việc.
  • Hỏi cha mẹ và những người lớn khác nếu có chủ đề hoặc chi tiết đặc biệt khó nói và nhạy cảm đối với trẻ.
  • Hãy để đứa trẻ và cha mẹ chọn một bối cảnh quen thuộc với họ cho cuộc phỏng vấn. 
  • Đừng nói chuyện theo hướng hạ thấp trẻ em, bất kể các em còn nhỏ như thế nào. Tôn trọng cảm xúc của các em và cách các em kể lại những gì đã xảy ra. Và hãy chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ có một số bất ngờ: Trẻ em có thể không đau buồn theo cách bạn mong đợi. 
  • Đôi khi nhắc lại những gì trẻ đang nói với bạn và cho các em sửa lại lỗi nếu cần.
  • Tự nghiên cứu, tìm tòi trước về tác nghiệp với trẻ em. Nói chuyện với cố vấn, tham dự các chương trình giáo dục, nghiên cứu chấn thương ở trẻ em thông qua các trang web đáng tin cậy. Cân nhắc xem những câu hỏi nào phù hợp với các lứa tuổi khác nhau — ví dụ như một đứa trẻ nhỏ hơn sẽ không thể nhớ lại chi tiết thời gian nhưng có thể mô tả nó đã chơi đồ chơi gì khi sự việc xảy ra.
  • Không nên dựa vào trẻ em dưới 13 tuổi để cung cấp toàn bộ chi tiết cụ thể về thực tế vụ việc. Hãy dùng những tài liệu và các nguồn khác để chứng thực bất cứ khi nào có thể.
  • Đừng hỏi những câu có hàm ý đổ lỗi, chẳng hạn như “Sao cháu không thắt dây an toàn?” hoặc “Cháu hay đi bộ một mình vào ban đêm à?” 
  • Hãy lưu ý rằng việc kể lại một sự kiện đau buồn có thể kích hoạt cảm xúc mãnh liệt ở đối tượng phỏng vấn, thậm chí đã nhiều năm trôi qua. Hãy chuẩn bị tinh thần đối phó với những phản ứng mạnh mẽ, hoặc nhờ ai đó ở đó có thể hỗ trợ, chẳng hạn như một thành viên gia đình hoặc cố vấn tâm lý đáng tin cậy.
  • Giữ cuộc phỏng vấn có độ dài phù hợp với lứa tuổi: ba mươi phút đối với trẻ dưới 9 tuổi, bốn mươi lăm phút đối với trẻ em từ 10 đến 14 tuổi và một giờ đối với thanh thiếu niên.
  • Hãy nghỉ giải lao nếu trẻ cảm thấy buồn chán hoặc mất tập trung. Đó có thể là cách đứa trẻ nói với bạn rằng các em đang kiệt sức về cảm xúc.
  • Không sử dụng thông tin có thể làm trẻ xấu hổ hoặc tổn thương – ngay cả khi được sự cho phép của trẻ. Trẻ em sẽ kể cho bạn nghe về bất cứ điều gì, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải xuất bản hết toàn bộ – ví dụ: vấn đề về tè dầm hoặc sử dụng chất kích thích bất hợp pháp (trừ khi chi tiết đó là trọng tâm của câu chuyện.)
  • Kiểm tra lại với phụ huynh hoặc người lớn khác sau cuộc phỏng vấn và cho họ biết cách trích dẫn sẽ được sử dụng và khi nào bài báo, phóng sự của bạn sẽ xuất bản. Gửi cho họ bản sao của bản nháp cuối cùng của bạn.

Comments are closed.

Close Search Window