Nghiệp vụ báo chí|

Ảnh: Pixabay

Phỏng vấn những nạn nhân hoặc những người sống sót sau các sự kiện đau thương như thảm họa, thiên tai, tai nạn, bạo lực hoặc tội phạm luôn là một công việc cực kỳ khó khăn, và kỳ thực không có phương pháp nào là tuyệt đối đúng. Mỗi câu chuyện, nỗi đau đều riêng biệt và đặt ra những thách thức và những tình huống khó xử về đạo đức của riêng nó.

Marcela Turati, nhà báo Mexico có kinh nghiệm 12 năm đưa tin về các vụ bạo lực ở nhiều cấp độ và hình thức khác nhau cũng như tiếp xúc với các nạn nhân, đã rút ra một số bài học và chia sẻ với Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu (gọi tắt: GIJN). Những lời khuyên này cũng đúc kết từ những quan sát của các nhà trị liêu tâm lý, những nhà bảo vệ quyền con người, cùng các đồng nghiệp khác của Turati.

Các kinh nghiệm này có thể là bảng chỉ dẫn giúp các nhà báo xác định phương pháp để thực hiện một cuộc phỏng vấn nhân đạo, nhạy cảm và tôn trọng. 

MDI, với tư cách thành viên của GIJN, thực hiện chuyển ngữ tài liệu này để hỗ trợ cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo Việt Nam.

—-

Yếu tố quan trọng nhất, và là trụ cột xuyên suốt của quá trình tác nghiệp trong mảng nội dung này, là chăm sóc và bảo mật, bao gồm:

  • Sự an toàn của những người được phỏng vấn (đặc biệt là để tránh khiến họ trở thành nạn nhân một lần nữa).
  • Bảo vệ thông tin.
  • Sự an toàn của các đồng nghiệp bạn làm việc cùng.
  • An toàn cá nhân của riêng bạn.

Mặc dù báo chí thường đặc biệt quan tâm đến những chủ đề về đau khổ, bất công của con người và hậu quả của bất bình đẳng, chiến tranh hoặc thiên tai, tôi vẫn khuyên rằng trước khi thực hiện bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, bạn nên suy ngẫm thật kỹ về câu chuyện bạn muốn kể. Hãy tự hỏi bản thân, bạn có thực sự cần thiết phải đào sâu vào một bi kịch riêng tư của người khác để đưa tin về nó? Bạn sẽ đạt được gì? Một khi bạn xác định rằng câu chuyện mình đang làm cần có phỏng vấn nạn nhân hoặc người sống sót, thì dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

1. Nói rõ cho họ biết mình là nhà báo.

Một quy tắc cơ bản là tự giới thiệu mình là nhà báo. Trong trường hợp bạn lo ngại cho an toàn cá nhân nếu làm vậy, bạn có thể bỏ qua lời khuyên này. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không thể sử dụng thông tin hay lấy trích dẫn trực tiếp từ những người không đồng ý phỏng vấn với báo chí.

2. Dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Nếu bạn không có thời gian, hãy cho người được phỏng vấn biết, và giới hạn cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh những câu hỏi cơ bản về tình hình mà không đi sâu vào chi tiết của một sự kiện đau buồn. Nếu không, bạn có thể sẽ không thực sự lắng nghe khi ai đó tiết lộ những chi tiết đau đớn, bởi vì bạn đang vội. 

Đừng chỉ đặt câu hỏi về những gì đã xảy ra, cũng nên hỏi người được phỏng vấn về bản thân họ, hỏi họ như thế nào, họ đang đương đầu với nỗi đau như thế nào, hỏi trải nghiệm đau đớn đó đã ảnh hưởng đến họ như thế nào và hỏi họ đã sống hoặc/và vượt qua với nó như thế nào.

3. Tìm kiếm một bối cảnh phỏng vấn thích hợp.

Tốt nhất, các cuộc phỏng vấn nên được tiến hành ở nơi bạn có thể nói chuyện riêng tư và không bị gián đoạn, nơi bạn có thể lắng nghe mà nhân vật không cần phải nói lớn tiếng và nơi không có nguy hiểm. Tránh bối cảnh có trẻ em ngồi nghe cùng, dù người lớn có thể nói rằng các em đã quen với câu chuyện, nhưng trẻ em có thể bị ảnh hưởng từ những gì chúng nghe được.

4. Quyết định ghi âm hay ghi chép.

Hỏi nhân vật của bạn nếu họ cảm thấy thoải mái khi bạn ghi âm cuộc trò chuyện. Nếu bạn sử dụng sổ ghi chép, hãy cố gắng nhìn vào mắt người được phỏng vấn khi bạn viết, bởi vì giao tiếp bằng mắt rất quan trọng. Nếu bạn ghi âm, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm bảo rằng bạn sẽ không bị gián đoạn vì sự cố kỹ thuật. 

Ngoài ra, đừng quên tạo một bản sao và phương án ghi thông tin dự phòng. Nếu có lời khai là quan trọng, chẳng hạn như lời khai đầu tiên của một nhân chứng hoặc người sống sót chưa từng lên tiếng trước đây, thì việc ghi âm là cần thiết; lời khai có thể trở thành bằng chứng tư pháp, hoặc được sử dụng để cơ quan hữu quan điều tra một vụ án.

5. Chuẩn bị cho người được phỏng vấn.

Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, hãy nói một cách khái quát về các chủ đề sẽ được đề cập. Điều quan trọng là giải thích mục đích điều tra của bạn và những gì bạn hy vọng đạt được. Điều này cho phép người được phỏng vấn chuẩn bị về mặt tinh thần, để họ không cảm thấy bị tấn công bởi các câu hỏi, không có những kỳ vọng khác nhau về công việc của bạn và có cơ hội quyết định xem họ có thể – hoặc muốn – nói chuyện với bạn hay không.

6. Cho họ quyền kiểm soát.

Người được phỏng vấn không được cảm thấy áp lực hoặc bị o ép. Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, lưu ý quan trọng là bạn cần nói với họ rằng họ nắm quyền kiểm soát. Thông báo cho họ biết rằng họ chỉ phải trả lời những câu hỏi mà họ muốn trả lời; rằng họ có thể tạm nghỉ hoặc kết thúc cuộc phỏng vấn nếu họ cảm thấy quá sức chịu đựng; hoặc họ có thể yêu cầu bạn không tiết lộ thông tin tiềm ẩn rủi ro. Đây là quyền của họ.

Các sự kiện đau buồn thường có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Hãy để bản thân có thời gian trong cuộc phỏng vấn để làm rõ chi tiết.

7. Lựa chọn câu hỏi.

Phỏng vấn nạn nhân của một sự kiện khủng khiếp cần có sự đồng cảm và đặt mình vào vị trí của nạn nhân. Hãy tự hỏi bản thân: Nếu anh ấy hoặc cô ấy là thành viên gia đình, một người thân thiết với bạn, liệu bạn có sẵn sàng đặt câu hỏi thế này? Ngoài ra, điều quan trọng là đặt câu hỏi với các câu trả lời mở; điều này cho phép nạn nhân chọn từ ngữ của riêng họ.

8. Giao tiếp bằng mắt và là một người lắng nghe tập trung.

Duy trì giao tiếp bằng mắt và đảm bảo rằng bạn sẽ không bị làm phiền, xao nhãng bởi âm thanh bên ngoài – chẳng hạn như tiếng rung từ điện thoại di động hoặc những suy nghĩ phân tâm bên trong. Đây là cách để bạn thực sự kết nối với người đang kể câu chuyện của họ. Là phóng viên, chúng ta cần tập trung chú ý vào bốn thứ cùng lúc, bao gồm: người được phỏng vấn đang nói gì với chúng ta, họ như thế nào khi kể lại câu chuuyện, điều gì đang xảy ra xung quanh chúng ta (trời tối đi hoặc bạn cảm thấy sự hiện diện của người khác) và cuộc phỏng vấn đang hướng đi đâu.

9. Tránh những câu hỏi mang hơi hướm buộc tội, bắt lỗi cá nhân.

Các nạn nhân thường phải chịu cảm giác tội lỗi. Họ có thể cảm thấy cô độc, sợ hãi, và đôi khi thấy không ai tin họ. Câu chuyện, thông tin từ phía họ thường có thể chống lại cả hệ thống được xây dựng để làm mất uy tín của bất kỳ ai dám lên tiếng và tố cáo hành vi sai trái.

Hãy cẩn thận với các câu hỏi của bạn và đảm bảo rằng bạn tránh buộc tội, đổ lỗi nạn nhân. Ví dụ: thay vì hỏi “Bạn không sợ đi bộ một mình trong bóng tối sao?”, hãy hỏi xem đèn đường trong khu phố có thường xuyên tắt vào ban đêm không hoặc khu vực lân cận có nguy hiểm không. Sức nặng của tội lỗi không được phép đổ lên nạn nhân.

10. Cân nhắc liệu gợi lại những khoảnh khắc đặc biệt đau thương có thực sự cần thiết hay không

Một số cuộc điều tra báo chí yêu cầu chi tiết cụ thể về các tình huống có chấn thương nặng, chẳng hạn như khi điều tra về hiếp dâm hoặc tấn công tình dục. Phỏng vấn cho các câu chuyện này chỉ được thực hiện với sự đồng ý của nạn nhân, theo thời gian của họ, và chỉ khi nó thực sự cần thiết và có ý nghĩa cho bối cảnh bài viết. Các câu hỏi có thể gây tác động như một dạng tra tấn tinh thần, đó là lý do tại sao chúng ta cần đặt câu hỏi một cách tế nhị, cho phép nhân vật có thời gian nghỉ. Nếu cuộc điều tra của bạn không cần tất cả những chi tiết đó, tốt hơn hết bạn nên lấy lời khai, phỏng vấn trước đó của nạn nhân và trích dẫn nó trong bài của bạn.

11. Tìm hiểu về chấn thương tâm lý theo nhiều góc độ.

Lời nói không phải là cách duy nhất để thể hiện nỗi đau. Hãy tìm những cách giúp bạn hiểu được cảm xúc của nạn nhân mà không khiến họ sống lại khoảnh khắc đau khổ. Gợi ý họ chia sẻ một bài thơ họ đã viết, một bài hát, một bức vẽ, một đoạn nhật ký hoặc một lời cầu nguyện, từ đó giúp bạn hiểu được cảm xúc của họ mà không động chạm đến vết thương lòng chưa lành. Còn một cách tiếp cận hiệu qủa nữa là gợi ý nạn nhân kể lại những giấc mơ của họ. Thông thường, những giấc mơ có khả năng kể chuyện mạnh đến mức bạn đôi khi sẽ không cần phải hỏi đến những câu hỏi có thể khiến nhân vật sống lại khoảnh khắc đau thương.

12. Phản ứng một cách bình tĩnh nếu nhân vật khóc hoặc biểu lộ cảm xúc mạnh.

Các cuộc phỏng vấn về những sự kiện đau buồn hoặc mất mát người thân luôn rất đau đớn, và có rất nhiều lý do khiến nhân vật của bạn bật khóc. Đôi khi cách đặt câu hỏi thiếu tế nhị, bản thân chủ đề khơi gợi cảm xúc mạnh, hay việc nhắc về một sự kiện có thể làm giải phóng nhiều cảm xúc dồn nén.

Nếu bạn dự định tìm kiếm ai đó khác để xác minh, bổ sung hoặc đưa ra quan điểm phản bác lại lời nói của nhân vật phỏng vấn, hãy cho họ biết.

Đừng phản ứng thái quá nếu người được phỏng vấn khóc. Một cách tế nhị, hãy hỏi xem họ cần gì và mời một ít nước. Không phải lúc nào bạn cũng nên đưa khăn giấy, điều này có thể được hiểu là nhà báo thúc giục nạn nhân kiềm chế cảm xúc và tiếp tục cuộc phỏng vấn. Ôm có thể là hành vi xâm phạm và nó không được khuyến khích, đặc biệt là khi nói chuyện với nạn nhân bị tra tấn thân thể hoặc bạo lực tình dục.

Đôi khi, những người được phỏng vấn có thể cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc khó chịu. Đây là những phản ứng bình thường trong hoàn cảnh của họ. Nếu họ phàn nàn về giới báo chí, tốt nhất đừng phản ứng thái quá hoặc tranh cãi; thay vào đó, hãy lắng nghe. Nếu tình hình bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát và bạn cảm thấy nguy hiểm, hãy khôn khéo tìm cách rời đi.

13. Nói đến khả năng chống chọi và bình phục từ nỗi đau khi kết thúc phỏng vấn.  

“Bạn đã đối phó với những gì đã xảy ra như thế nào?” và “Bạn tiếp tục cuộc sống của mình thế nào?” là một số câu hỏi bạn có thể sử dụng để kết thúc cuộc phỏng vấn về các chủ đề đau đớn. Điều quan trọng là phải dành một phần của cuộc phỏng vấn để gợi mở về câu chuyện phục hồi, cho nhân vật nói về những gì khả thi, về sức mạnh của các cá nhân và tầm quan trọng của việc có một tập thể ở bên cùng chống chọi. Những thông tin này không chỉ giá trị cho các phóng viên, mà nó còn cho phép bạn kết thúc cuộc phỏng vấn bằng cách nói về những gì đã đạt được, thay vì bằng một nột trầm về nỗi đau khôn nguôi hoặc chấn thương tâm lý.

Khi kết thúc một cuộc phỏng vấn, các nhà báo nên cảm ơn nạn nhân vì đã tin tưởng bạn để chia sẻ trải nghiệm của họ và vì sẵn sàng kể lại những sự việc khiến họ đau đớn. Trao đổi thông tin liên lạc nhưng tránh đưa ra những lời hứa mà bạn không thể thực hiện hoặc tạo ra những kỳ vọng về tác dụng của cuộc phỏng vấn này đối với cuộc tìm kiếm công lý.

14. Phân tích tất cả các hệ quả có thể xảy ra.

Trong một số bối cảnh nhất định, chẳng hạn như những nơi có bạo lực và có hành vi trừng phạt nói chung, mọi nhà báo có nhiệm vụ suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra đối với những người trả lời phỏng vấn sau khi bạn đăng tải, phát sóng tác phẩm. Hãy phân tích – cùng với nhân vật – liệu họ có gặp bất kỳ rủi ro nào khi lên tiếng như vậy, dò hỏi kỹ lưỡng xem liệu họ có thể chấp nhận được những rủi ro này hay không và cách giảm thiểu chúng. Trước khi xuất bản, bạn phải dành một chút thời gian để đọc lại thông tin và đánh giá – có thể là với biên tập viên của bạn – những phần nào có thể gây ra hậu quả cho những người liên quan (ví dụ: tiết lộ danh tính của thủ phạm) và nghĩ ra chiến lược để bảo vệ nguồn tin. Đôi khi điều này có thể liên quan đến việc bỏ qua một số chi tiết nhất định, chờ một thời điểm khác hoặc tìm kiếm một cách khác để công bố.

15. Xác minh thông tin.

Các sự kiện đau buồn thường có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Có rất nhiều yếu tố có thể khiến ký ức thay đổi và bị biến đổi: do sợ hãi, do mong muốn lý giải những gì đã xảy ra, do thời gian, do mong muốn quên đi những sự kiện không vui, do những diễn biến mới của sự việc, hoặc chỉ từ việc lắng nghe thêm những tường thuật khác từ người khác. Những cuộc phỏng vấn kiểu này đòi hỏi bạn phải cẩn thận rất nhiều nếu bạn muốn tìm các chi tiết chính xác, và có những lời kể, tình tiết hỗ trợ cho câu chuyện đã xuất bản của bạn. Hãy cho bản thân thời gian để làm rõ các chi tiết khi phỏng vấn.

Nếu đây là một bài báo điều tra, bạn phải làm thật chắc chắn, tìm kiếm các nhân chứng khả thi, tìm kiếm bằng chứng có thể giúp hỗ trợ, xác minh cho những lời khai bạn đã thu thập và đảm bảo rằng bạn không bỏ qua các chi tiết nếu bạn gặp bất kỳ thông tin mâu thuẫn nào.

Khi phỏng vấn nạn nhân hoặc những người sống sót sau thảm hoạ, nếu bạn dự định tìm kiếm ai đó khác để xác minh, bổ sung hoặc đưa ra quan điểm phản bác lại lời nói của họ, hãy cho họ biết. Nếu bạn phỏng vấn người bị buộc tội đã gây ra tội ác hoặc bạn muốn đưa cả quan điểm của nhà chức trách, thì những người này không nên là những tiếng nói cuối cùng trong bài báo. Hãy đảm bảo bài báo của bạn không đẩy những nhân vật trả lời phỏng vấn trở thành nạn nhân một lần nữa. Nạn nhân phải có cơ hội phản hồi bất kỳ lời buộc tội nào chống lại họ trước khi bài báo xuất bản.

Một trong những quy tắc của báo chí là xác minh thông tin bạn có. Quy tắc khi làm việc với các chủ đề này là không biến các nạn nhân trở thành nạn nhân một lần nữa.

Các nguồn cần tham khảo (tiếng Anh) bao gồm:

Tragedies & Journalists: A Guide for More Effective Coverage (Bi kịch & Nhà báo: Hướng dẫn Bảo hiểm Hiệu quả hơn)

Ochberg Fellowship Guidelines (Hướng dẫn của Ochberg Fellowship)

Covering Breaking News: Interviewing Victims and Survivors (Đưa tin nóng hổi: Phỏng vấn nạn nhân và người sống sót)

Investigating Human Rights from a Psychosocial Perspective,” (“Điều tra Nhân quyền từ Góc độ Tâm lý Xã hội”), sách hướng dẫn của Carlos M. Beristáin

The Doctor’s Ethical Office,” (“Văn phòng đạo đức của bác sĩ ”) của Javier Darío Restrepo

Tác giả: Marcela Turati là nhà báo điều tra tự do và là người đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận báo chí điều tra Mexico Quinto Elemento Lab và trang web Where Do the Disappeared Go? (Những người mất tích đã đi đâu? )Turati nổi tiếng với các cuộc điều tra về mất tích, bắt cóc, thảm sát người nhập cư và các ngôi mộ tập thể.

Đọc bản gốc tại: Tips for Interviewing Victims of Tragedy, Witnesses, and Survivors

Comments are closed.

Close Search Window